Chờ...

Bệnh tim mạch là một trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trong năm 2019

(VOH) - Theo WHO, bệnh tim mạch là một trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu cho con người trong năm 2019.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu và theo từng nhóm quốc gia tính theo mức thu nhập.

Nếu tính chung trên toàn cầu, ở thời điểm năm 2019 (chưa có đại dịch Covid-19) thì 7 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu là các bệnh không lây nhiễm.

Theo công bố của WHO, 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu chiếm 55% trong số 55,4 triệu ca tử vong trên toàn thế giới (tại mốc thời gian của năm 2019). 

bệnh tim
Bệnh tim mạch là một trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu trong năm 2019

Các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu liên quan đến ba nhóm vấn đề lớn của tình trạng sức khoẻ, bao gồm: tim mạch (thiếu máu cơ tim, đột quỵ), hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng đường hô hấp dưới) và sơ sinh (sinh ngạt và chấn thương khi sinh, nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh và các biến chứng của sinh non). 

Kẻ giết người lớn nhất trên thế giới là bệnh thiếu máu cơ tim, gây ra 16% tổng số ca tử vong trên thế giới. Đột quỵ và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 và thứ 3, chiếm khoảng 11% và 6% tổng số người chết tương ứng.

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, được xếp hạng là nguyên nhân tử vong thứ 4.

Điều kiện sơ sinh được xếp hạng thứ 5. Tuy nhiên, tử vong do các tình trạng sơ sinh là một trong những nhóm mà mức giảm tử vong trên toàn cầu về số lượng tuyệt đối trong hai thập kỷ qua.

Tử vong do các bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng gia tăng. Tử vong do ung thư khí quản, phế quản và ung thư phổi đã tăng từ 1,2 triệu lên 1,8 triệu và hiện đứng thứ 6 trong số các nguyên nhân tử vong hàng đầu.

Vào năm 2019, bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác được xếp hạng là nguyên nhân gây tử vong thứ 7. Trên toàn cầu, 65% trường hợp tử vong do Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác là phụ nữ.

Một trong những sự sụt giảm lớn nhất về số người chết là các bệnh tiêu chảy, với số ca tử vong toàn cầu giảm từ 2,6 triệu người năm 2000 xuống còn 1,5 triệu người vào năm 2019.

Bệnh tiểu đường đã lọt vào danh sách 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, theo tỷ lệ phần trăm tăng đáng kể là 70% kể từ năm 2000.

Các bệnh khác nằm trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu năm 2000 không còn trong danh sách. HIV/AIDS là một trong số đó. Tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS đã giảm 51% trong 20 năm qua, chuyển từ nguyên nhân tử vong đứng thứ 8 trên thế giới vào năm 2000 xuống thứ 19 vào năm 2019.

Các bệnh về thận đã tăng từ nguyên nhân tử vong thứ 13 trên thế giới lên thứ 10. Tỷ lệ tử vong đã tăng từ 813.000 vào năm 2000 lên 1,3 triệu vào năm 2019.

Các nguyên nhân tử vong hàng đầu có thể được nhóm lại thành ba loại: nhóm bệnh lây nhiễm (các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng và các tình trạng bệnh lý liên quan đến sản khoa, chu sinh và dinh dưỡng), nhóm bệnh không lây nhiễm (các bệnh mạn tính) và chấn thương.

Về phân bố nguyên nhân tử vong hàng đầu, nếu tính chung trên toàn cầu thì 7 trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu là các bệnh không lây nhiễm, 7 nguyên nhân này chiếm 44% tổng số các trường hợp tử vong trên toàn cầu và chiếm 80% trong “top 10” nguyên nhân tử vong phổ biến.

Về phân bố nguyên nhân tử vong theo mức thu nhập, có sự khác biệt về 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu giữa các các quốc gia thuộc các nhóm có mức thu nhập khác nhau (Ngân hàng Thế giới phân loại các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới thành bốn nhóm: thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao và thu nhập cao).

Các quốc gia có thu nhập thấp có nguy cơ tử vong vì bệnh truyền nhiễm cao hơn nhiều so với các bệnh không lây nhiễm, 6 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước thu nhập thấp là các bệnh truyền nhiễm.

Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp có 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu khác nhau nhất: 5 nguyên nhân không lây nhiễm, 4 nguyên nhân lây nhiễm và một nguyên nhân do chấn thương. Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong gia tăng ở nhóm thu nhập này, chuyển từ vị trí thứ 15 lên thứ 9 trong số nguyên nhân tử vong hàng đầu và số người chết vì căn bệnh này đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000.

Các quốc gia có thu nhập trung bình cao có số ca tử vong do ung thư phổi tăng lên đáng kể, cao hơn gấp đôi mức tăng tử vong của cả ba nhóm thu nhập khác cộng lại. Ngoài ra, ung thư dạ dày còn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước này.

Các quốc gia có thu nhập cao, bệnh tim thiếu máu cơ tim và đột quỵ vẫn nằm trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với nhóm thu nhập này, với tổng số hơn 2,5 triệu ca tử vong trong năm 2019. Ngoài ra, tử vong do bệnh tim do tăng huyết áp cũng đang gia tăng, căn bệnh này đã tăng từ thứ hạng 18 đã tăng lên thứ hạng 9 trong bảng xếp hạng nguyên nhân tử vong phổ biến ở các nước có thu nhập cao.

Tại sao chúng ta cần biết nguyên nhân gây ra cái chết ở con người?

Việc biết được nguyên nhân gây ra cái chết ở con người nhằm giúp mọi người cải thiện cách sống.

Việc đo lường số người chết mỗi năm giúp đánh giá hiệu quả của hệ thống y tế và hướng các nguồn lực đến nơi cần thiết nhất. Ví dụ, dữ liệu về tỷ lệ tử vong có thể giúp tập trung các hoạt động và phân bổ nguồn lực giữa các lĩnh vực như giao thông vận tải, thực phẩm và nông nghiệp, môi trường cũng như y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới phát triển các tiêu chuẩn và thực hành tốt nhất để thu thập, xử lý và tổng hợp dữ liệu thông qua Bảng phân loại bệnh tật quốc tế được củng cố và cải tiến (ICD-11) - một nền tảng kỹ thuật số tạo điều kiện báo cáo dữ liệu kịp thời và chính xác về nguyên nhân tử vong cho các quốc gia thường xuyên tạo và sử dụng thông tin sức khỏe phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc thu thập và phân tích định kỳ dữ liệu chất lượng cao về tử vong và nguyên nhân tử vong, cũng như dữ liệu về tình trạng khuyết tật, được phân tách theo độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý, là điều cần thiết để cải thiện sức khỏe và giảm tử vong và tàn tật trên toàn thế giới.

* Tài liệu tham khảo: “The top 10 causes of death”, https://www.who.int