Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bệnh tự miễn là gì, có chữa được không?

(VOH) - Có khoảng 180 loại bệnh tự miễn khác nhau, chủ quan trong việc bảo vệ hệ miễn dịch, bạn có nguy cơ mắc bệnh tự miễn. Vậy bệnh tự miễn là gì?

1. Bệnh tự miễn là bệnh gì?

Hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, giúp nhận dạng các yếu tố có hại xâm nhập vào cơ thể như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, thậm chí là tế bào ung thư,…(được gọi chung là kháng nguyên). Khi các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tiêu diệt chúng bằng cách “ăn” trực tiếp hoặc sinh ra các kháng thể để diệt trừ mầm bệnh.

benh-tu-mien-la-gi-co-chua-duoc-khong-voh-1

Tự miễn có thể hiểu là tự hủy (Nguồn: Internet)

Vì một lý do nào đó, các tế bào trong cơ thể trở nên “lạ” với hệ miễn dịch hoặc do chính hệ miễn dịch bị trục trặc, khi đó, các tế bào miễn dịch sẽ không còn nhận ra các tế bào của cơ thể nữa mà xem đó là các kháng nguyên và tấn công chúng, gây nên các bệnh tự miễn.

Tự miễn là loại bệnh khá phổ biến với khoảng 180 loại bệnh khác nhau, được chia làm 2 nhóm chính là:

  • Nhóm các bệnh tự miễn dịch hệ thống như Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống,…
  • Nhóm các bệnh tự miễn dịch đặc hiệu cơ quan như viêm tuyến giáp tự miễn, viêm gan tự miễn,…

2. Nguyên nhân gây bệnh tự miễn

Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa biết rõ nguyên nhân sinh ra bệnh tự miễn, tuy nhiên họ nghi ngờ có liên quan đến các yếu tố môi trường như nhiễm trùng hoặc phơi nhiễm với các hóa chất hoặc dung môi. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu chất béo, đường và được chế biến sẵn cũng có liên quan đến tình trạng viêm, có thể gây ra các phản ứng tự miễn dịch. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh.

Một lý thuyết khác được gọi là giả thuyết vệ sinh. Do vaccine và thuốc sát trùng, ngày nay trẻ em không tiếp xúc với nhiều mầm bệnh như trước đây. Việc thiếu tiếp xúc có thể làm cho hệ miễn dịch trở nên phải ứng quá mức với các chất vô hại.

3. Một số bệnh tự miễn thường gặp

3.1 Viêm khớp dạng thấp

Hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể gắn kết với lớp niêm mạc của khớp. Các tế bào của hệ thống miễn dịch sau đó tấn công các khớp, gây viêm, sưng và đau. Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp dần dần gây ra các tổn thương khớp vĩnh viễn. Điều trị viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm các loại thuốc uống hoặc tiêm khác nhau, giúp giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch.

3.2 Lupus ban đỏ hệ thống (lupus)

benh-tu-mien-la-gi-co-chua-duoc-khong-voh-2

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn phổ biến (Nguồn: Internet)

Người bị lupus phát triển các kháng thể tự miễn dịch có thể gắn vào các mô khắp cơ thể. Các khớp, phổi, tế bào máu, dây thần kinh và thận thường bị ảnh hưởng do lupus. Phương pháp điều trị là uống prednisone mỗi ngày, một loại steroid làm giảm chức năng hệ miễn dịch.

3.3 Bệnh viêm ruột (IBD)

Hệ thống miễn dịch tấn công niêm mạc ruột, gây ra các đợt tiêu chảy, chảy máu trực tràng, đi tiêu cấp tính, đau bụng, sốt và giảm cân. Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là hai dạng chính của viêm ruột. Các loại thuốc ức chế miễn dịch dạng uống và tiêm có thể điều trị bệnh.

3.4 Đa xơ cứng (MS)

Hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào thần kinh, gây ra các triệu chứng có thể gồm đau, mù, yếu, phối hợp kém và co thắt cơ. Nhiều loại thuốc ức chế hệ miễn dịch có thể được sử dụng để điều trị bệnh đa xơ cứng.

3.5 Đái tháo đường tuýp 1

Kháng thể của hệ thống miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy. Bệnh tiểu đường tuýp 1 ở những người trẻ tuổi cần tiêm insulin để sống sót.

Theo khảo sát cho thấy, các bệnh tự miễn xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Các biểu hiện chính gặp hầu hết trong các bệnh tự miễn dịch là sốt nhẹ kéo dài, gầy sút cân, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức khắp cơ thể,…Các biểu hiện khác của mỗi bệnh tự miễn dịch sẽ phụ thuộc vào vị trí cơ quan bị tổn thương.

4. Bệnh tự miễn có chữa được không?

Do chưa rõ nguyên nhân gây bệnh tự miễn nên hiện nay các bệnh tự miễn đều chưa có thuốc hay biện pháp nào điều trị dứt điểm. Mục tiêu chính của việc điều trị là làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Các phương pháp điều trị không thể chữa khỏi bệnh tự miễn nhưng chúng có thể kiểm soát các phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức và làm giảm viêm. Các thuốc được sử dụng điều trị bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen và naproxen.
  • Các thuốc ức chế miễn dịch.

benh-tu-mien-la-gi-co-chua-duoc-khong-voh-3

Bổ sung vitamin từ rau củ sẽ tốt hơn các loại vitamin tổng hợp (Nguồn: Internet)

Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp hữu hiệu để điều trị khỏi hoàn toàn bệnh tự miễn nhưng bệnh lý này có thể được khống chế bằng cách sống tích cực và khoa học hơn. Hãy chọn một chế độ ăn cân đối, hợp lý, đa dạng, tránh ăn nhiều dầu mỡ và bổ sung quá nhiều vitamin tổng hợp (vì những chất này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ miễn dịch), chỉ nên bổ sung vitamin bằng các loại rau, củ, trái cây.

Bình luận