Bệnh uốn ván gia tăng do không chích ngừa

(VOH) – Gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận và điều trị số bệnh nhân bị bệnh uốn ván gia tăng do không chích ngừa.

Theo công bố của Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, chỉ tiêu giường bệnh ở khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & chống độc người lớn của bệnh viện là 20 giường nhưng số ca uốn ván thở máy chiếm đến 25. Tất cả bệnh nhân ở đây phải nằm xếp lớp… thở máy.

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận 1 ca nhập viện do uốn ván.

Không ít những trường hợp bị nhiễm trùng uốn ván nguy kịch tính mạng chỉ vì một vết thương rất nhỏ.

Nguy cơ bị uốn ván nhiều khi chỉ đến từ việc làm cá, lột nhẫn đeo tay… hay do cây tăm xỉa răng hay cây ngoáy tai bình thường nhà nào cũng có. Có bệnh nhân do chỉ lột chiếc nhẫn đeo bị chật ở tay, bị trầy xước, đến nửa đêm bà than khó thở rồi bị cứng hàm, cứng cổ, cứng lưng, tứ chi bất động…Dù được cấp cứu ngay sau đó nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê.

Hay có bệnh nhân bị viêm nướu, do xỉa răng hơi mạnh nên nướu bị chảy máu. Cứ nghĩ chỉ bị chảy máu chân răng bình thường, một bệnh nhân không thể ngờ được sau gần một tháng, chỗ nướu bị thương sưng to khiến anh khó mở miệng. Cơn co cứng lan nhanh từ hàm xuống cổ, lưng, tứ chi vì uốn ván khiến bệnh nhân không thể cử động…

Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, gây ra bởi ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.

Vi khuẩn thường tạo nha bào uốn ván, nha bào này xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn…, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.

Bệnh khởi phát sau chấn thương, trung bình là 7 ngày; 15% số trường hợp khởi phát bệnh trong vòng 3 ngày và 10% khởi phát bệnh sau 14 ngày. Uốn ván toàn thân là thể bệnh hay gặp nhất. Có thể nhận thấy ca bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em ở các biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi tăng trương lực cơ và các cơn co cứng.

Vì vậy, người dân không được chủ quan, tự xử lý vết thương tại nhà khi chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ. Trong số 186 ca mắc bệnh uốn ván mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm nay, đa số đều không được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ.

Để tiêm ngừa uốn ván, chúng ta có thể tìm đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Pasteur hoặc trung tâm y tế dự phòng quận huyện. .

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm ngừa uốn ván chậm 15% so với tiến độ cần đạt, trong khi hàng năm tỷ lệ này đạt trên 95%.

Người dân cần chủ động phòng tránh, vì nếu để mắc bệnh uốn ván thì chi phí điều trị rất cao (hiện dao động 15-45 triệu đồng).

Khoảng 10 năm gần đây, số ca uốn ván người lớn nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đang có xu hướng gia tăng. Nếu như năm 2005 tổng số ca mắc là 176 ca thì đến năm 2015 là 278 ca. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, nơi đây đã tiếp nhận 186 ca uốn ván, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2019 (165 ca). Số lượng bệnh nhân điều trị tại đây hiện đứng thứ 3, chỉ sau sốt xuất huyết và bệnh viêm gan. 

Người dân cần biết cách xử lý khẩn cấp khi bị các vết thương bằng cách:

– Xử lý vết thương đúng cách: khi mới có vết thương dù lớn hay nhỏ, cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều bùn, đất, cát, thì nên dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô. Lưu ý, với vết thương hở, không được bôi cồn 90 độ, i-ốt (betadine, povidine) trực tiếp vào vết thương để tránh làm tổn thương mô.

– Với vết thương có dị vật thì rửa tay sạch rồi lấy dị vật ra, băng bó vết thương và thay băng hàng ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì nên đến cơ sở y tế xử lý dị vật.

– Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu như đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành… bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay vì có thể vết thương đã nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự chữa bằng các phương pháp dân gian như đắp thuốc rê, thuốc bột…

Đau dạ dày khi mang thai thường gặp nhưng đừng quá chủ quan! - (VOH) - Đau dạ dày khi mang thai là bệnh lý phổ biến ở phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ. Bệnh lý này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của bà bầu.

Bình luận