Theo bác sĩ bệnh viện cho biết: 17h20 ngày 7/11/2020 bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhi nam bị đứt lìa cẳng tay do tai nạn giao thông. Tình trạng lúc nhập viện: cẳng tay đứt lìa, thần kinh hoảng loạn.
Đến khoảng 18h20, bệnh nhân được gây mê, các bác sĩ ghi nhận chấn thương phức tạp. Ca mổ được hoàn thành khoảng sau 4 tiếng kể từ khi bắt đầu gây mê.
Với trường hợp này, các bác sĩ nhận định có yếu tố quan trọng giúp cho ca vi phẫu thành công là được chuyển đến kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng vết thương dập nát, bị nhiễm khuẩn và rối loạn thần kinh cũng là yếu tố gây cản trở cho ca phẫu thuật.
“Khi bé bị tai nạn, gia đình không hay biết. Khoảng 15 phút sau, người bác họ chở bé về và báo bé bị tai nạn đứt cẳng tay. Khi bé về nhà, tay vẫn còn ở chỗ té, sau đó, gia đình nhờ người dân tại chỗ bé té lấy giúp” – phụ huynh bệnh nhi cho biết. Điều đáng chú ý, bé mới 8 tuổi nhưng đã tự chạy xe máy ra ngoài.
Theo giả thuyết của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà (bác sĩ CKI) – người chịu trách nhiệm chính cho ca vi phẫu: trường hợp của bé có thể bị va đập mạnh và có vật sắc bén ở dưới nên chặt đứt lìa cẳng tay.
Tuy nhiên, do bấn loạn tinh thần nên khi được hỏi bé nói lúc ngã xuống thì không còn nhớ gì nữa. Vì vậy, bệnh viện và gia đình chưa biết được nguyên nhân chính xác.
Trước đó, bệnh viện đã thực hiện thành công một số trường hợp bệnh viện đã vi phẫu thành công như: bé 19 tháng tuổi bị đứt gần lìa 2 ngón tay, hiện nay, ngón tay bé này đã hoạt động như bình thường; bị tai nạn bỏng điện, mất da và xương hay trường hợp bệnh nhân có chỉ định đoạn chi.
“Thực hiện vi phẫu không chỉ mang đến cuộc sống bình thường, mang tính thẩm mỹ cho trẻ mà còn giúp ổn định tâm lý cho trẻ. Trong các ca vi phẫu luôn có sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý bệnh viện để giúp trẻ bình ổn tâm lý” – bác sĩ Lê Thị Minh Hồng – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bé bị đứt lìa chi gia đình và người xung quanh nên có cách xử lý đúng: che phủ tạm bằng gạc hoặc khăn sạch, bỏ túi không thấm nước, bảo quản lạnh.
Sau đó, nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành phẫu thuật cố định xương và khâu nối mạch máu thần kinh.
Đối với các trường hợp vi phẫu các bé sau này có khả năng sẽ phải chỉnh lại khớp, xương và các dây thần kinh, tập vật lý trị liệu. Tuy rằng các yếu tố này cũng không thể giúp phục hồi 100% nhưng nếu cố gắng sẽ đạt tỉ lệ 60 - 70%