Trường hợp thứ nhất là bé gái X.Y.D (sinh 27/6/2023, dân tộc Mông; trú xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú).
Theo chị Lầu Y Giải (mẹ bé), sau khi sinh được 6 ngày, bé bỏ bú, quấy khóc, xuất hiện tình trạng cứng hàm, không há miệng để bú được, được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM để thăm khám, sau đó được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Đến ngày 12/8, bé được xuất viện, chẩn đoán uốn ván sơ sinh.
Trường hợp thứ 2 là bé trai L.A.V (sinh 3/7/2023, dân tộc Mông; trú xã Tân Phước, huyện Đồng Phú). Chị Xồng Pá Dài (mẹ bé) cho biết sau khi sinh được 10 ngày, bé bỏ bú, quấy khóc, xuất hiện tình trạng cứng hàm, không há miệng để bú được, kèm theo co giật.
Bé được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM điều trị và cũng được chẩn đoán uốn ván sơ sinh.
Theo kết quả giám sát, xác minh ca bệnh của Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú, đây là hai trường hợp mà cả cha và mẹ đều là người dân tộc thiểu số.
Trong thời gian mang thai, cả hai thai phụ đều không được khám thai định kỳ và chưa được tiêm vaccine phòng uốn ván. Khi sinh lại không sinh ở cơ sở y tế mà sinh ngay tại phòng ở, nhờ người không có kiến thức chuyên môn đỡ đẻ, cắt rốn bằng kéo sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, không băng bó rốn đúng cách, dẫn đến cả hai trẻ đều bị nhiễm uốn ván.