Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cảnh báo, loãng xương là bệnh được tổ chức y tế thế giới coi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Loãng xương là sự suy giảm khối lượng xương toàn bộ trong cơ thể, khiến xương trở nên mỏng manh, yếu đi và dễ gãy. Loãng xương dẫn đến tàn phế, cản trở sinh hoạt hằng ngày, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Căn bệnh này được xếp sau bệnh lý về tim mạch. Ước tính tại Việt Nam có 2,8 triệu người bị loãng xương trong đó phụ nữ chiếm đa số. Các trường hợp bị gãy xương theo tính toán là 170 ngàn ca/năm.
Ai dễ bị loãng xương ?
Đối tượng dễ mắc bệnh này chính là người trên 40 tuổi. Ở độ tuổi này bệnh loãng xương sẽ bắt đầu và cứ thêm 10 tuổi thì tỉ lệ mắc bệnh tăng lên 3-5%.
Những người trên 70 tuổi thì tỉ lệ mắc bệnh lên đến 70%.
Loãng xương không chỉ dừng lại ở người lớn tuổi mà ngay cả phụ nữ trung niên qua nhiều lần sinh nở cũng dễ mắc phải bệnh này.
Khám sức khỏe định kỳ là một cách phòng bệnh loãng xương không thể thiếu đối với người trên 40 tuổi. Hình: Internet
Bị loãng xương, cứ tăng cường can xi ?
Thủy Trúc (41 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1), sau 2 lần sinh con, lượng canxi trong người bị hao hụt. Mới đây, khi đo loãng xương chị phát hiện tình trạng loãng xương của mình đã khá nặng.
Bác sĩ khuyên chị nên bổ sung thêm canxi, qua chế độ ăn nhiều hải sản, uống sữa. Tuy vậy, chị Trúc cũng lo lắng vì bệnh này không phải uống thuốc là hết, cần phải có thời gian bổ sung các chất cần thiết cho xương.
Bà Lê Thị Sum (70 tuổi, ngụ Bến Tre) thì càng khó hơn, loãng xương làm bà đau nhức nhưng bà lại bị đau bao tử. Mỗi khi uống thuốc khớp thì bao tử lại không chịu được. Ban đầu là những cơn đau quằn quại, khó chịu. Những lần như vậy có khi bà phải ăn cháo trong suốt một tháng, kéo theo sức khỏe suy giảm rất nhanh.
Chữa loãng xương bằng ăn trái cây, rau, giá
Ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung các loại thức ăn giàu canxi, protein và vitamin D. Các chất này có trong thực phẩm hằng ngày như tôm, cua, sữa và các chế phẩm từ sữa.
Bên cạnh đó, nên ăn thêm trái cây, rau, giá vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương.
Trái cây, rau xanh, giá có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Hình: Internet
Đồng thời kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, hít thở, tập vận động các khớp xương. Với những người đã bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp, tránh ngã hay vấp té.
Đối với nam giới, nên hạn chế sử dụng rượu bia vì đây là tác nhân làm giảm sự hấp thụ canxi của cơ thể.
Người trên 40 tuổi nên khám và tầm soát loãng xương định kỳ. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là rất quan trọng.