Chờ...

Bộ Y tế gửi công điện về chuẩn bị tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

(VOH) – Trong công điện gửi ngày 21/2, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn các nguồn lực để tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn.

Bộ Y tế ngày 21/2 đã có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế gửi công điện: Các địa phương chuẩn bị tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Bộ Y tế gửi công điện: Các địa phương chuẩn bị tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao trên toàn quốc, đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên trong thời gian gần đây có số mắc, và cả số tăng nặng, nguy kịch có chiều hướng tăng cao.

Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể xuất hiện các chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao  như người già, người có bệnh nền.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch COVID-19. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế, hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến.

Cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là ô xy y tế tại các cơ sở điều trị.

Tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 "thần tốc hơn nữa"; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi.

Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn và tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Đồng thời các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng chống COVID-19; tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.

Căn cứ vào đánh giá cấp độ dịch COVID-19 (đến địa bàn cấp xã), tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để dạy, học trực tiếp.

Cũng tại công điện này, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 trong trường học. Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã), tổ chức sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn.

Các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19.