Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Ca nhiễm cúm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam: Nguy cơ và khuyến cáo phòng ngừa

VOH - Ngày 7/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) xác nhận ca nhiễm cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên trên cả nước.

Bệnh nhân là nam giới, 37 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, có tiền sử loét dạ dày, xơ gan do rượu.

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị với chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị viêm phổi và được xét nghiệm dương tính cúm A. Xét nghiệm lần 2 bằng phương pháp giải mã trình tự gien khẳng định kết quả là bộ gien của virus cúm A/H9N2.

nhiedoi
Bệnh nhân đang được nằm điều trị cách ly tại phòng áp lực âm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - Ảnh TTXVN

Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân sinh sống và làm việc gần nhà, chưa từng tiêm phòng vắc-xin cúm và vắc-xin COVID-19. Đối diện nhà bệnh nhân có trực tiếp giết mổ và kinh doanh buôn bán gia cầm, tuy nhiên bệnh nhân không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm.

Hiện tại, sức khỏe của những người trong gia đình bệnh nhân đều khỏe mạnh. Chưa ghi nhận gia cầm chết hay biểu hiện bất thường ở khu vực bệnh nhân sinh sống.

Để đảm bảo an toàn, ngành y tế đã thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định. Đồng thời, theo dõi tình trạng sức khỏe nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân, điều tra dịch tễ, giám sát đàn gia cầm, vật nuôi và hướng dẫn những người thân tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Cúm A/H9N2 là virus độc lực thấp, lưu hành trong đàn gia cầm ở nhiều châu lục. Ca H9N2 trên người đầu tiên được báo cáo vào cuối thập niên 1990 và virus vẫn rải rác trên người, heo và một số động vật có vú khác.

Để phòng ngừa cúm A/H9N2, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Tiêm vắc-xin cúm hàng năm.

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.

Ăn chín uống sôi.

Không sử dụng sản phẩm từ gia cầm bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc.

Người già và người có bệnh lý nền cần theo dõi sát sức khỏe bản thân, điều trị ổn định bệnh lý nền và nâng cao sức đề kháng.

Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết bất thường cần thông báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được xử lý đúng quy định.

Sở Y tế TP HCM sẽ tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Cúm A/H9N2 là loại virus nguy hiểm, tuy nhiên người dân không nên hoang mang. Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.