1. Chữa bệnh xương khớp áp dụng phương pháp vật lý trị liệu nào?
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, vật lý trị liệu là phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Phương pháp này sử dụng các tác nhân vật lý như điện, nhiệt,…để phục hồi hệ thống vận động cho người bệnh.
Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng hiệu quả cho bệnh nhân mắc bệnh xương khớp (Nguồn: Internet)
Đối với các bệnh lý cơ xương khớp, vật lý trị liệu thường áp dụng cho những trường hợp như:
- Liệt nửa người sau đột quỵ.
- Tàn tật.
- Chấn thương xương khớp do tai nạn cần phục hồi chức năng.
Để chữa bệnh cơ xương khớp bằng vật lý trị liệu, bác sĩ thường chỉ định những phương pháp sau đây:
- Sử dụng dòng điện xung hoặc dòng điện một chiều để kích thích vùng gân, vùng cơ bị liệt, bị chấn thương cần phục hồi.
- Sử dụng từ trường có kèm dòng điện như nam châm để áp vào các vùng cơ tại chỗ.
- Dùng các sóng thông qua hệ thống siêu âm để trị liệu.
- Dùng ánh sáng như tia tử ngoại, hồng ngoại, laser để ánh sáng tác động vào cơ, bắp thịt.
- Nhiệt trị liệu (hay còn gọi là nhiệt nóng hay nhiệt lạnh), tức là dùng 1 nhiệt độ nhất định để tác động lên một vùng cơ thể hoặc toàn thân nhằm làm giãn mạch hay co mạch (tùy trường hợp).
- Thủy trị liệu bằng hình thức tắm, ngâm để chữa bệnh thông qua việc hấp thu qua da.
- Dùng oxy cao áp để tác động vào niêm mạc da.
- Xoa bóp, kéo giãn, nắn chỉnh bằng tay cũng là phương pháp vật lý trị liệu giúp chữa các khớp bị tổn thương.
- Vận động thụ động hay vận động chủ động.
- Dùng khí hậu môi trường, tức là đưa người bệnh đi nghỉ dưỡng ở những nơi có thời tiết, khí hậu phù hợp để chữa bệnh.
Nhìn chung, có khá nhiều phương pháp chữa bệnh bằng vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng của cơ xương khớp. Bác sĩ Bay cho biết, hầu hết các bệnh cơ xương khớp đều có thể chỉ định điều trị bằng vật lý trị liệu.Tuy nhiên, tùy vào bệnh lý, giai đoạn bệnh mà bác sĩ, thầy thuốc sẽ hướng dẫn điều trị bằng phương pháp phù hợp.
2. Tập vật lý trị liệu bao lâu thì khỏi bệnh?
Người bệnh phối hơp với bác sĩ để áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu đạt hiệu quả như mong muốn (Nguồn: Internet)
Bác sĩ Bay cho biết, thông thường, tùy vào bệnh lý và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định liệu trình tập vật lý trị liệu khác nhau. Người bệnh có thể tập một liệu trình sau đó nghỉ một thời gian rồi mới tiếp tục với liệu trình tiếp theo. Khi đã quen với những bài tập mà bác sĩ hướng dẫn ở phòng tập vật lý trị liệu thì người bệnh có thể tiếp tục duy trì các bài tập tại nhà cho đến khi bệnh thuyên giảm.
Như vậy, thời gian tập vật lý trị liệu dài hay ngắn sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp của bác sĩ và bệnh nhân có hiệu quả hay không.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: