Chờ...

Các xét nghiệm khi mang thai mẹ bầu cần nhớ

(VOH) – Trong thai kỳ mẹ bầu sẽ được chỉ định làm rất nhiều xét nghiệm thường quy. Việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm khi mang thai sẽ giúp mẹ theo dõi được sự phát triển của bé yêu trong bụng. 

Tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến khích thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, chẳng hạn như: xét nghiệm máu; các xét nghiệm về viêm nhiễm (viêm gan, giang mai, HIV, rubella, toxoplasma,...); các xét nghiệm tầm soát dị tật,... nhằm đảm sự phát triển của thai nhi luôn tốt và nếu có những bất thường sẽ được phát hiện một cách sớm nhất. 

Các mốc xét nghiệm khi mang thai cần nhớ

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền (BV Quốc tế Hạnh Phúc) cho biết, trong một thai kỳ bình thường, thai phụ sẽ trải qua 4 mốc xét nghiệm cơ bản. Đó là:

  1. Mốc xét nghiệm đầu tiên: 3 tháng đầu thai kỳ

Khi đã được xác định mang thai, thai trong tử cung, có tim thai, thai phụ sẽ làm xét nghiệm ở 3 tháng đầu thai kỳ. Thai phụ sẽ được lấy khoảng 10ml máu để làm một loạt các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm công thức máu, tầm soát nhóm máu Rhesus – ABO.
  • Xét nghiệm để kiểm tra các vấn đề về: thiếu máu, tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp,...
  • Xét nghiệm để tìm kiếm các bệnh lý về viêm nhiễm.
  • Xét nghiệm phân tích nước tiểu.

cac-xet-nghiem-khi-mang-thai-me-bau-can-nho-voh

Thực hiện xét nghiệm đầy đủ giúp thai phụ tầm soát được nhiều bệnh lý nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Theo TS,BS Lê Văn Hiền, các xét nghiệm khi mang thai 3 tháng đầu vô cùng quan trọng. Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trong giai đoạn này sẽ giúp thai phụ phát hiện và điều trị sớm rất nhiều bệnh lý nguy hiểm như: 

  • Thiếu máu do thiếu sắt, thiếu máu di truyền...
  • Các bệnh lý về viêm nhiễm như: viêm gan, giang mai, HIV,...
  • Tầm soát và ngăn ngừa nhóm máu Rhesus (nhóm máu có thể gây ra tình trạng sảy thai).
  1. Mốc xét nghiệm thứ 2: Từ tuần thứ 11 đến tuần 13 + 6 ngày

Các xét nghiệm được tiến hành từ tuần thai thứ 11 đến tuần 13 +6 ngày giúp tầm soát dị tật cũng như những bất thường về nhiễm sắc thể, ví dụ như: bệnh Down, bệnh Edward, bệnh Patau.

Xét nghiệm được thực hiện trong giai đoạn này là xét nghiệm Double Test. Double test là xét nghiệm giúp tầm soát bất thường về nhiễm sắc thể (NST) 13, 18 và 21. Khi làm xét nghiệm Double Test hợp kết hợp với siêu âm đo độ mờ da gáy cùng với các yếu tố khác như: tuổi của người mẹ, yếu tố tiền sử gia đình, tiền sử bản thân... bác sĩ sẽ đánh giá được nguy cơ trẻ mắc các dị tật liên quan đến bất thường NST. Nếu như kết quả đánh giá mẹ bầu thuộc nhóm có nguy cơ cao thì sẽ được làm thêm những xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán xem thai nhi có bị bất thường NST 13, 18, 21 hay không.

  1. Mốc xét nghiệm thứ 3: Từ tuần 24 đến tuần 28

Ở tuần thai 24 đến 28, thai phụ sẽ tầm soát những bất thường về hình thái học như: sứt môi, chẻ vòm, thừa ngón, thiếu ngón, chân ngắn, chân dài, chân khoèo, bệnh tim, bệnh gan, khối u... 

Khảo sát hình thái học được chia làm 2 mốc thời gian: Khảo sát hình thái học sớm (từ tuần 16 đến tuần 20 của thai kỳ) và khảo sát hình thái học muộn (từ tuần 20 đến tuần 24 của thai kỳ). Thông qua kỹ thuật siêu âm 4D, bác sĩ sẽ nhìn thấy được hình dáng cũng như những chuyển động của thai nhi trong thời gian thực. Dựa vào hình ảnh được hiển thị trên màn hình siêu âm bác sĩ sẽ quan sát kỹ từng bộ phận của thai nhi như mắt, mũi, miệng... cùng với việc đo các thông số sinh trắc học để chẩn đoán hình thái của thai nhi.

cac-xet-nghiem-khi-mang-thai-me-bau-can-nho-1-voh

Siêu âm 4D giúp tầm soát dị tật về hình thái thai nhi (Nguồn: Internet)

Trong trường hợp phát hiện có dị tật bất thường như sứt môi, dị dạng cơ quan hay những bất thường về tim, xương,... thì tùy vào tình hình sức khỏe cụ thể của thai phụ, bác sĩ sẽ đưa ra những sự tư vấn hợp lý và an toàn nhất.

Ngoài ra, ở thời điểm thai từ 24 cho tới 28 tuần thai phụ cần phải làm thêm xét nghiệm tầm soát tiểu đường. Tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý khá nguy hiểm trong nên việc tầm soát căn bệnh này là rất cần thiết.

  1. Mốc xét nghiệm thứ 4: Sau tuần thai 35

Gần ngày sinh khoảng sau 35 tuần thai phụ sẽ làm những xét nghiệm để chuẩn bị cho cuộc sinh nở diễn ra an toàn, thuận lợi. Các xét nghiệm cần làm trong giai đoạn này là: xét nghiệm về chức năng đông máu, chức năng gan, chức năng thận và làm lại bộ xét nghiệm về viêm nhiễm (viêm gan, giang mai, HIV,...)

Như vậy, trong một thai kỳ hoàn toàn bình thường thai phụ cần nhớ 4 mốc xét nghiệm quan trọng cũng như thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu cũng sự phát triển của thai nhi được an toàn hơn.

Bạn có thể xem lại nội dung ngắn gọi của bài viết thông qua video bên dưới: 

Các mốc siêu âm thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ : Siêu âm thai là phương pháp chẩn đoán y khoa qua hình ảnh nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Siêu âm đúng thời điểm sẽ giúp chị em an tâm về sức khỏe của con trong suốt thai kỳ.

Siêu âm 4D là gì? Thời gian nào có thể thực hiện siêu âm 4D? : Siêu âm 4D không phải là một thủ tục y tế bắt buộc, tuy nhiên hiện nay có nhiều cặp vợ chồng chọn hình thức siêu âm này vì có thể giúp nhìn rõ hơn về hình dáng và những cử động của con yêu.