Rất khó xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh ung thư và không phải tất cả các bệnh ung thư đều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ giống nhau. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư.
Di truyền
Cha mẹ mang các đột biến gene liên quan đến ung thư, có thể di truyền sang thế hệ con cái, làm tăng nguy cơ gây bệnh. Ung thư vú, đại tràng có khả năng di truyền cao hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả người mang đột biến di truyền đều mắc bệnh, khả năng còn liên quan đến các nhiều yếu tố nguy cơ khác như lối sống, thói quen, môi trường sống.
Tuổi tác, mắc các bệnh mạn tính
Tần suất mắc bệnh ung thư thường tăng theo độ tuổi, tỷ lệ người lớn tuổi mắc ung thư cao hơn người trẻ.
Khả năng mắc bệnh ung thư ngày càng cao khi bắt đầu bước vào độ tuổi trung niên. Bởi quá trình lão hóa khiến tế bào mất khả năng sửa chữa tổn thương và dễ hình thành các tế bào bất thường.
Bên cạnh đó, quá trình cơ thể tiếp xúc với các tác nhân như vi khuẩn, virus trong một thời gian dài cũng góp phần làm suy giảm khả năng phục hồi của tế bào, tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào bất thường tiến triển thành tế bào ác tính và dần tích tụ thành khối u ác tính.
Ngoài ra, nhiều bệnh mạn tính như viêm dạ dày, polyp đại tràng, xơ gan, viêm gan... cũng làm tăng khả năng mắc ung thư.
Tiếp xúc với hóa chất độc hại, bức xạ
Các tia bức xạ có thể gây tổn thương ADN, tổn thương tế bào và dẫn đến ung thư. Người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại như amiăng, titanium dioxide, diesel… cũng tăng nguy cơ mắc ung thư da, ung thư phổi.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư.
Một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Ngược lại, chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt ung thư về đường tiêu hóa.
Lối sống thiếu vận động
Ít vận động hay không luyện tập thể dục thể thao thường xuyên dẫn đến béo phì, thừa cân. Đây là yếu tố làm tăng khả năng phát triển nhiều bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư.
Thuốc lá
Thuốc lá có thể gây ung thư ở hầu hết cơ quan trong cơ thể gồm phổi, vòm họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, tụy, gan, thận...
Hóa chất độc hại trong khói thuốc làm hỏng DNA của tế bào, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của các tế bào.
Nguy cơ mắc ung thư tăng còn tùy thuộc vào liều lượng, thời gian hút thuốc và loại thuốc lá. Bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc thụ động góp phần giảm nguy cơ ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Uống nhiều rượu bia
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng rượu bia quá mức có thể gây ra khoảng 5,5% ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, tương đương với 3 triệu ca mỗi năm.
Nguy cơ mắc ung thư do uống rượu bia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lượng rượu bia tiêu thụ mỗi ngày, thời gian sử dụng, loại rượu bia uống và các yếu tố nguy cơ khác như di truyền, giới tính, chế độ ăn uống,…
Người uống rượu bia quá mức có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 2-3 lần so với người không uống rượu bia.
Uống rượu bia cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như ung thư vòm họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, tụy, ung thư vú (ở phụ nữ), ung thư trực tràng...
Hóa chất độc hại trong rượu bia, đặc biệt acetaldehyde có thể làm hỏng DNA của tế bào, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của các tế bào ung thư.
Ngoài ra, uống rượu bia cũng làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ tổn thương bởi các tác nhân gây ung thư khác.
Hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn rượu bia là cách tốt nhất để ngừa ung thư. Nếu đang sử dụng rượu bia, hãy đảm bảo sử dụng ở một liều lượng hợp lý, tránh sử dụng quá mức.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị để giảm nguy cơ ung thư, mọi người nên duy trì cân nặng khỏe mạnh, chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ.