Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách bảo quản thực phẩm an toàn trong dịp Tết

VOH - Dịp Tết, nhu cầu mua và sử dụng các thực phẩm rất cao. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân cần chú ý bảo quản thực phẩm hợp lý.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa thông tin về cách bảo quản thực phẩm an toàn.

Bảo quản thực phẩm trước Tết

Bảo quản thực phẩm tươi sống

Đối với thịt và cá tươi, bạn nên chia thành từng phần nhỏ để dễ dàng sử dụng khi cần thiết. Nên rửa sạch thịt, cá cần đánh sạch vảy, vây, cắt bỏ mang cá, loại bỏ ruột, phủ tạng, cạo sạch màng đen trong bụng cá trước khi bảo quản.

Dùng giấy bạc hoặc bao nilon bọc kín rồi cho vào ngăn đông tủ lạnh để bảo quản lâu dài. Nên ghi thời gian để vào tủ lạnh của từng loại thực phẩm.

tu-lanh-270125
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân cần chú ý bảo quản thực phẩm hợp lý trong dịp Tết - Ảnh: ASP

Để giữ rau củ tươi lâu, bạn cần bảo quản ở nhiệt độ phù hợp. Một số loại rau (như rau thơm) có thể giữ trong túi nilon để kéo dài thời gian tươi.

Còn đối với các loại rau củ cần lạnh như cà rốt, khoai tây, bạn nên bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn lạnh của tủ lạnh, tránh để rau củ dập nát. Không nên tích trữ quá nhiều rau củ vì thời gian bảo quản ngắn, nên mua đủ dùng tối đa 1-2 ngày.

Bảo quản thực phẩm chế biến sẵn

Nên lựa chọn mua các sản phẩm tại các cơ sở uy tín đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn: giò, chả, nem. Ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản nên được xem xét kỹ càng.

Các loại mứt, bánh chưng, bánh tét nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Mứt có thể bảo quản trong hộp kín hoặc túi nilon buộc chặt. Nên cân nhắc sử dụng đặc biệt với người đang điều trị bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp.

Các loại thực phẩm như gạo, bột, đường cần được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc. Nên cho vào bao bì kín hoặc hũ thủy tinh có nắp đậy chắc chắn.

Bảo quản thực phẩm trong Tết

Trong suốt dịp Tết, việc duy trì chất lượng thực phẩm là rất quan trọng. Một số mẹo giúp bảo quản thực phẩm trong Tết.

Thực phẩm đã chế biến

Nếu bạn có món ăn còn thừa, cần bảo quản ngay lập tức trong hộp kín và để vào tủ lạnh để tránh vi khuẩn phát triển. Trước khi ăn cần đun nóng lại trước khi ăn.

Bánh chưng sau khi cắt miếng, bạn nên bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh. Bạn có thể bảo quản đông lạnh để dùng dần.

Thực phẩm tươi sống

Thịt, cá nếu không sử dụng ngay, nên bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh. Hãy chia nhỏ từng phần để tránh lãng phí khi sử dụng.

Rau quả: Một số loại rau quả có thể bảo quản trong tủ lạnh, nhưng nếu không thể ăn hết, bạn cần sử dụng chúng trong thời gian ngắn vì rau quả dễ héo hoặc hư.

Bảo quản thực phẩm sau Tết

Thực phẩm đã chế biến sẵn nếu còn lại món ăn chế biến từ trước, bạn nên kiểm tra chất lượng và bảo quản trong tủ lạnh hoặc đóng gói kín rồi đông lạnh để dùng sau.

Thực phẩm tươi sống nếu chưa kịp sử dụng, bạn có thể sơ chế và chia nhỏ để bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh.

Bạn cần trữ đồ ăn thừa trong dụng cụ chứa sạch, có nắp đậy kín hoặc bọc kín bằng màng bọc thực phẩm. Nên chia vào các hộp đựng nhỏ, nông để chúng được làm lạnh nhanh hơn.

Nên trữ lạnh thức ăn thừa trong vòng 2 tiếng sau khi nấu và không cần đợi đến khi thức ăn nguội mới cất vào tủ, vì những loại tủ lạnh hiện đại có khả năng xử lý nhiệt.

Sau Tết, bạn nên lau chùi, làm sạch tủ lạnh để loại bỏ mùi hôi và vi khuẩn, đồng thời kiểm tra lại các thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc không còn tươi ngon.

Lưu ý chung:

• Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ trong suốt quá trình bảo quản thực phẩm.

• Kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn.

• Đảm bảo nhiệt độ bảo quản thực phẩm ở mức thích hợp (tủ lạnh từ 0 - 4°C, ngăn đông dưới -18°C).

Bảo quản thực phẩm đúng cách trước, trong và sau Tết là rất quan trọng để đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tránh lãng phí.

Bình luận