Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cách bổ sung dinh dưỡng cho người sau phẫu thuật

(VOH) - Khi chăm sóc người bệnh hoặc vừa trải qua phẫu thuật, nhiều người thường cố gắng bổ sung thật nhiều thức ăn, tuy nhiên, đôi khi điều này lại gây biến chứng cho chính người được chăm sóc.

Một số người quan niệm, sau mổ nếu ăn thịt chim, thịt gà thì vết mổ mưng mủ, ngứa, nhức; ăn tôm bị ngứa; ăn hải sản, rau muống cho sẽ bị sẹo lồi; ăn thịt bò sẹo sẽ bị thâm; ăn trứng vết sẹo bị loang màu… Đây là quan điểm hết sức sai lầm. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế gây ra sẹo lồi. Cũng chưa có một công trình khoa học nào chứng minh rằng, các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, hải sản… là nguyên nhân gây sẹo lồi.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, hiện nay một số nguồn thực phẩm bị nhiễm chất độc hại nên việc lựa chọn nguồn dinh dưỡng sạch, đa dạng để bổ sung cho người bệnh là vô cùng quan trọng vì lúc này hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa của người bệnh còn rất yếu. Cần chế độ ăn phù hợp để tránh teo cơ, mau hồi phục vết thương, giảm kích ứng sau phẫu thuật, tăng sức đề kháng cơ thể. Tùy theo loại phẫu thuật mà việc nuôi dưỡng sẽ khác nhau.

Để nhanh chóng phục hồi sức khỏe và làm lành vết mổ, điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng sau:

- Chất đạm: là chất đặc biệt quan trọng đối với người bệnh, có nhiều trong các loại thịt nạc như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, trứng,… Nên bổ sung đạm thực vật từ các loại tảo, rau xanh đậm, các loại hạt dinh dưỡng, đậu đỗ giúp người bệnh dễ hấp thu. Các sản phẩm từ sữa có nguồn protein tốt nhưng lại dễ gây táo bón nên chỉ cho bệnh nhân sử dụng ở mức vừa phải.

- Chất chống oxi hóa: Có nhiều trong các loại rau xanh đậm, các loại quả màu sắc, tảo biển… cung cấp các chất chống oxi hóa tự nhiên giúp cơ thể người bệnh vừa được thanh lọc các độc tố, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng, sức khỏe tổng thể giúp vết thương mau lành.

- Vitammin và chất khoáng: các loại rau xanh và trái cây giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, rất cần thiết để giúp lành vết mổ. Thực phẩm chứa chất xơ (như cam, bưởi, cà rốt, khoai lang, rau xanh…) đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa bệnh táo bón, một biến chứng thường gặp sau phẫu thuật, nhất là phẫu thuật ổ bụng. Cùng với đó Vitamin C là một chất chống ôxy hóa, giúp nhanh lành vết mổ và nâng cao sức đề kháng, làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.

Tùy theo thể trạng và hiện trạng sức khỏe của người bệnh mà áp dụng phương pháp chăm sóc cho phù hợp:

- Với những người vừa trải qua các ca mổ từ 1-3 ngày, chỉ nên cho uống ít nước và tập trung cho truyền dịch.

- Từ 3-5 ngày sau đó có thể cho ăn bằng thức ăn loãng, liều lượng tăng dần và giảm truyền tĩnh mạch. Khẩu phần nên bổ sung năng lượng và protein. Nên dùng sữa pha nước cháo, tốt nhất là sữa bột tách bơ, sữa đậu nành. Ăn 4-6 bữa/ ngày. Dùng nước thịt ép khi bệnh nhân không uống được sữa. Ăn thức ăn mềm, nhiều vitamin, hạn chế chất xơ.

- Giai đoạn hồi phục là từ ngày thứ 6 trở đi, nên cung cấp đủ năng lượng và protein để tăng nhanh thể trọng và vết thương mau lành. Chia 5-6 bữa/ngày. Dùng nhiều sữa, trứng, thịt, cá, đậu đỗ, sữa chua, pho mai. trái cây (cam, bưởi, chanh, dâu tây, kiwi, rau xanh, cà rốt, đu đủ, bí đỏ, khoai lang…) để tránh táo bón, giúp nhanh lành vết mổ, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ.

Ngoài cung cấp chế độ dinh dưỡng phong phú, đủ chất thì việc giữ cho vết thương hậu phẫu luôn khô, sạch sẽ giúp quá trình lên da non diễn ra nhanh hơn.

Bình luận