Cách kiểm soát cảm xúc để tránh ảnh hưởng sức khỏe

(VOH) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 200 bệnh lý có liên quan đến cảm xúc. Vì thế, việc kiểm soát tốt cảm xúc là cách để bạn gìn giữ sức khỏe cho chính mình.

1. Cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), trong cuộc sống, không ai mà tránh khỏi 1 lần giận dữ, căng thẳng đến mức xảy ra bệnh tật. WHO và các nhà khoa học đã thống kê, có khoảng trên dưới 200 loại bệnh có liên quan đến cảm xúc. Nói cách khác, chính cảm xúc làm cho sức khỏe bình thường bỗng xuất hiện những rối loạn và trở thành bệnh tật. 

cach-kiem-soat-cam-xuc-de-tranh-anh-huong-suc-khoe-voh

Cảm xúc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Bay cũng cho biết, khi chúng ta sợ hãi, đồng tử sẽ giãn ra, thở nhanh hơn, khát nước và vã mồ hôi, có cảm giác yếu người đi. Bên cạnh đó, để đối phó với sự sợ hãi, lượng đường dự trữ trong cơ thể cũng sẽ “bung ra”. Nếu tình trạng này diễn ra một hay hai lần thì cơ thể có thể tự điều hòa. Tuy nhiên, nếu nó cứ tiếp diễn liên tục và không có biện pháp can thiệp thì sẽ khiến cơ thể càng ngày càng kiệt sức. 

Thực tế cho thấy, những người mắc bệnh dạ dày khi tinh thần quá căng thẳng, cảm xúc bị rối loạn thì cơn đau dạ dày sẽ xuất hiện ngay. Chính vì vậy, người ta nói đau dạ dày là một bệnh tâm thể, nếu không biết cách kiểm soát cảm xúc thì bệnh sẽ tái phát thường xuyên.

Ngoài ra, những người mắc bệnh ung thư nếu không giữ được tinh thần lạc quan, luôn nghĩ về những điều tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và sức đề kháng, từ đó, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Như vậy, cảm xúc có mối liên quan mật thiết đến sức khỏe chúng ta. Nếu chúng ta không biết cách kiểm soát cảm xúc, khiến cảm xúc rơi vào trạng thái “thái quá” thì rất dễ sinh ra bệnh tật.

2. Làm sao để kiểm soát cảm xúc được tốt hơn?

Theo bác sĩ Bay, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây để kiểm soát và vượt qua những cảm xúc tiêu cực, bảo vệ sức khỏe tinh thần được tốt hơn:

cach-kiem-soat-cam-xuc-de-tranh-anh-huong-suc-khoe-voh

Hãy cố gắng nở một nụ cười khi bạn đang rơi vào trạng thái căng thẳng, nó là "chìa khóa" để bạn làm chủ cảm xúc của chính mình (Nguồn: Internet)

  • Đầu tiên, hãy thư giãn bằng cách thở đúng. Bạn có thể hít thật sâu và thở ra từ từ để giúp trạng thái được cân bằng. 
  • Sau đó, nở một nụ cười. Hãy cố gắng nở nụ cười khi bạn đang căng thẳng hoặc đang tức giận. Khi cười, cơ mặt được giãn ra sẽ giúp giải phóng phần nào những căng thẳng đang có. 
  • Kế tiếp, hãy uống 1 ly nước ấm hoặc chỉ cần nước lọc là đủ. Uống nước và đi tới đi lui, việc vận động sẽ giúp bạn không còn tập trung vào một suy nghĩ tiêu cực nào đó.
  • Cuối cùng, hãy tập luyện. Bạn có thể tập luyện tại nhà hoặc tại công viên để cân bằng thể chất, từ đó tinh thần cũng sẽ thoải mái và phấn chấn hơn. 

Lưu ý: Người ta nghiên cứu, đối với những người thường xuyên buồn phiền, lo lắng sẽ dễ bị cảm lạnh hơn so với những người sống vui vẻ, lạc quan. Bởi vì khi tâm trạng suy sụp sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm, từ đó virus có điều kiện tấn công sức khỏe hơn. Ngược lại khi cơ thể khỏe mạnh và cảm xúc bình thường thì virus có thể xâm nhập nhưng sẽ bị hệ miễn dịch đẩy ra ngoài hoặc tiêu diệt.

Nếu những biện pháp trên không thể khiến bạn kiểm soát được cảm xúc của bản thân và tình trạng stress, buồn phiền, bực tức,… cứ diễn ra thường xuyên thì bạn nên đi khám để được các chuyên gia tư vấn phương pháp điều trị, tránh để cảm xúc ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại video bên dưới: