Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cách làm sạch răng hiệu quả bằng tăm tre, chỉ nha khoa

(VOH) - Đã từng có trường hợp  “xỉa răng” bằng tăm phải đến nha sĩ vì tăm đâm xuyên qua kẽ răng và gãy, không tự lấy ra được.

Thức ăn dính vào các kẽ răng gây khó chịu, lâu ngày tích tụ thành các mảng bám gây mất thẩm mỹ, viêm nướu và nặng hơn là nha chu, sâu răng... Để làm sạch kẽ răng có nhiều cách nhưng lấy thức ăn khỏi kẽ răng thông thường người ta dùng tăm tre, hoặc thích hợp hơn là dùng chỉ nha khoa.

Sử dụng tăm sao cho đúng?

Trước tiên, phải khẳng định rằng ưu điểm của “xỉa tăm” là nhanh, tiện lợi -  vừa ăn vừa xỉa tăm vẫn được và ít tốn kém. Quan trọng nhất là tăm dễ xài - dễ lấy thức ăn trong kẽ răng, cách sử dụng trông lịch sự hơn so với chỉ nha khoa và cảm giác thoải mái và dễ chịu khi dùng tăm lấy thức ăn trong kẽ răng.

Xỉa tăm dễ khiến kẽ răng bị dãn rộng (Ảnh: iStock)

Sử dụng tăm tre để làm sạch kẽ răng là thói quen thường thấy từ xưa tới giờ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Minh Đạt, Bệnh viện STO Phương Đông, sử dụng tăm không đúng cách có thể gây những tổn hại nhất định cho răng miệng. Tăm tre bén nhọn nên có thể làm trầy xước nướu, mòn mặt bên của răng, tụt nướu kẽ răng nếu dùng không đúng cách và lực quá mạnh. Đã có không ít trường hợp tăm gãy và mắc trong kẽ răng phải đến nha sĩ mới lấy ra được.

Ngoài ra, tăm chỉ giúp lấy thức ăn khỏi kẽ răng mà không làm sạch được mặt bên của răng. Tăm cũng có thể khiến kẽ răng ngày càng rộng và dính thức ăn nhiều hơn hoặc răng bị mòn nhiều ở hai bên cổ răng.

Tăm nếu sử dụng đúng cách và lực vừa phải thì đây là một công cụ lấy thức ăn mắc trong kẽ răng rất tiện lợi, nhưng không thay thế được các dụng cụ khác để vệ sinh kẽ răng, và tăm tre không được các bác sĩ Răng Hàm Mặt khuyên dùng.

Bác sĩ Minh Đạt đã có một số chia sẻ về cách sử dụng tăm để hạn chế các tác hại của tăm, trong trường hợp không thể dùng các dụng cụ vệ sinh răng miệng khác, cụ thể như sau:

- Khi xỉa tăm, không cố gắng xuyên tăm qua kẽ răng, chỉ để tăm chạm vào thức ăn để lấy ra chứ không nên chạm tăm hoặc tác động mạnh vào răng và nướu.

- Không nên ngậm tăm.

- Không sử dụng tăm khi đang di chuyển, chẳng hạn chạy xe.

- Không vừa xỉa tăm vừa nói chuyện hoặc cười đùa, tăm có thể lọt xuống thực quản.

- Không vừa xỉa tăm, vừa bế trẻ vì có thể đâm tăm nhọn vào mặt trẻ, gây nguy hiểm.

- Nên chọn loại tăm không có cạnh quá bén và đầu quá nhọn.

Tốt hơn là nên hạn chế sử dụng tăm để lấy thức ăn mắc giữa các kẽ răng, nên sử dụng chỉ nha khoa nếu có thể.

Sử dụng chỉ nha khoa để không hại nướu

Chỉ nha khoa có ưu điểm là làm sạch được mặt bên của răng, sạch cả trong khe nướu (rãnh giữa nướu và răng). Nếu sử dụng chỉ nha khoa đúng cách sẽ không làm thưa kẽ răng và mòn răng, cũng không làm tổn thương nướu răng. Nếu người dùng có kinh nghiệm sẽ phát hiện được vôi răng (cao răng) và sâu răng ở kẽ răng bằng chỉ nha khoa.

Các nha sĩ khuyên dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng (Ảnh: Delta Dental of Arizona Blog)

Ngoài ra, chỉ nha khoa có thể vệ sinh được ở những vị trí mà các dụng cụ vệ sinh răng miệng khác không làm được như: kẽ răng, bên dưới cầu răng giả cố định.

Theo bác sĩ Đạt, nhược điểm lớn nhất của chỉ nha khoa là khó sử dụng, đặc biệt là đối với bệnh nhân không khéo tay, lớn tuổi, hạn chế vận động. Điều này có cách khắc phục là dùng chỉ gắn sẵn trên cán nhựa. Chỉ nha khoa khó để sử dụng đúng cách, nếu sử dụng không đúng thì tác hại không kém gì tăm, chưa kể trên thị trường có nhiều loại chỉ kém chất lượng hoặc loại chỉ không phù hợp với răng.

Khi vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa mất nhiều thời gian hơn, mỗi lần vệ sinh hết tất cả kẽ răng phải tốn gần 10 phút đối với người bình thường. Thường thì trong bữa ăn, không thể dùng chỉ nha khoa được vì không lịch sự, khó lấy nhanh thức ăn dính trong kẽ răng.

Chỉ nha khoa cũng đắt tiền hơn so với tăm. Một cuộn chỉ nha khoa thông thường có giá khoảng vài chục nghìn đồng, với loại chỉ gắn sẵn trên cán nhựa sẽ đắt tiền hơn.

Dù vậy, nên dùng chỉ nha khoa dùng để làm sạch kẽ răng, làm sạch bên dưới phục hình cầu răng giả cố định (có dụng cụ đưa chỉ riêng), nhưng người dùng cần có hướng dẫn cụ thể và chọn loại chỉ phù hợp từ các nha sĩ.

Dùng chỉ nha khoa thông thường có 4 bước:

– Lấy một đoạn chỉ dài khoảng 45 cm và cuộn chung quanh hai ngón tay giữa, để lại một đoạn ở giữa khoảng 4-5 cm. Bạn cũng có thể luồn chỉ nha khoa vào giữa mắc cài và dây để sử dụng.

– Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ giữ sợi chỉ, đẩy sợi chỉ nhẹ nhàng xuống giữa hai kẽ răng.

– Nhẹ nhàng uốn sợi chỉ vòng theo chân của răng, đưa sợi chỉ xuống phía dưới đường viền nướu; phải kéo sát mặt răng, nếu không sẽ gây tổn thương nướu răng. Không được đè mạnh sợi chỉ, điều này có thể làm rách hoặc làm bầm mô nướu mỏng.

– Dùng những đoạn chỉ sạch khi bạn chuyển từ kẽ răng này sang kẽ răng khác một cách cẩn thận. Để lấy chỉ ra, cũng dùng chuyển động lên xuống và nâng sợi chỉ lên khỏi kẽ răng.

Tăm và chỉ nha khoa chỉ là hai trong nhiều dụng cụ vệ sinh răng miệng thông thường (ngoài các loại khác là tăm nước, bàn chải kẽ, các bàn chải chuyên dùng, tăm cao su massage nướu…). Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe răng miệng, khi dùng bất cứ dụng cụ nào cũng cần cân nhắc lựa chọn cho phù hợp.

Bình luận