Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cách sơ cứu người bị choáng ngã, đột quỵ khi chơi thể thao

TPHCM - Thời gian gần đây, liên tục có nhiều trường hợp bị choáng, ngã gục, thậm chí đột tử khi chơi thể thao. Sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách sẽ giúp tăng cơ hội cứu sống người bị nạn.

Các chuyên gia tim mạch Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á chia sẻ, tập luyện thể dục thể thao có lợi cho sức khỏe, nhưng mỗi người cần chọn tập luyện những môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình.

Ví dụ người trẻ khỏe mạnh thì có thể tập các môn thể thao mạnh bạo, gắng sức như gym, bóng chuyền, bóng đá, chạy bộ…, người lớn tuổi, có bệnh lý tim mạch chỉ nên tập các môn nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, thái cực quyền…

Việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp mỗi người biết được tình trạng sức khỏe, phát hiện những bệnh lý tiềm tàng, từ đó giúp mỗi người có kế hoạch tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe của mình, tránh nguy cơ đột tử khi tập luyện.

Các chuyên gia nhấn mạnh, khi bắt đầu tập một môn thể thao, mỗi người chỉ nên tập ở cường độ nhẹ vừa phải, "lắng nghe" cơ thể sau đó mới dần tăng cường độ. Khi cảm thấy cơ thể bị mệt hay khó thở, đau ngực thì người tập cần dừng tập luyện ngay…

Không nên tập thể thao ở điều kiện khắc nghiệt như ngoài trời nắng nóng, phòng tập quá nóng, quá lạnh… Ngoài ra, mỗi người cũng nên thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, hoặc đi khám bất cứ lúc nào khi có biểu hiện khác thường.

Cách sơ cứu khi phát hiện người có dấu hiệu quá sức khi tập thể dục thể thao

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, trong trường hợp phát hiện người có dấu hiệu mệt lả khi tập thể dục thể thao, cần nhanh chóng đưa người đó ra nơi thoáng mát, đánh giá xem còn tỉnh táo hay không.

so-cuu-091224
Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á vừa đưa ra hướng dẫn sơ cứu cho người tập luyện thể thao quá sức

Nếu người này bất tỉnh, lay gọi không có đáp ứng, không thấy dấu hiệu còn thở như phập phồng ngực, bụng thì xem như đã ngừng hô hấp tuần hoàn. Cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực kết hợp thổi ngạt) như sau:

- Đặt tay lên giữa ngực nạn nhân, vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú, hai tay chồng lên nhau ép mạnh vuông góc với lồng ngực nạn nhân, sao cho lồng ngực lún xuống 5cm, sau mỗi lần ép, cần để cho lồng ngực nở ra hoàn toàn.

- Ép tim với tần số từ 100 đến 120 lần mỗi phút. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt Có thể chấp nhận việc ép tim liên tục mà không cần thổi ngạt. Ép tim ngoài lồng ngực phải được làm liên tục cho đến khi đội xe cấp cứu 115 đến hiện trường.

Song song với việc cấp cứu ngừng hô hấp tuần hoàn, cần hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ, gọi cấp cứu 115. Nếu chỉ có một mình, cần gọi điện thoại 115, bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và nhận hướng dẫn liên tục từ trung tâm cấp cứu 115.

Với những trường hợp bệnh nhân tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo chật, bổ sung nước điện giải, nếu người bệnh vẫn yếu, mệt lâu, mệt khác thường, đau tức ngực, khó thở… thì cần được đưa đến bệnh viện gần nhất để thăm khám điều trị.

Nếu nạn nhân có những chấn thương gãy xương, có vết thương chảy máu thì cần được rửa sạch vết thương, băng cầm máu và cố định xương gãy trước khi vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

Bình luận