Tại Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ X tổ chức ngày 2/12, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ, đến nay, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thai thi cũng cần phải được coi như một bệnh nhân để có can thiệp kịp thời nếu phát hiện những bị tật bẩm sinh khi còn trong bụng mẹ.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Duy Ánh, bào thai trong bụng mẹ nếu mắc các hội chứng như truyền máu song thai, dải xơ buồng ối, chậm tăng trưởng, song thai không tim, cạn ối, đa ối, thiếu máu… đều có nguy cơ thai bị dị tật hoặc chết lưu mà không một bác sĩ nào dám "động" vào buồng ối.
Kỹ thuật can thiệp bào thai là đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng sẽ tăng cơ hội chữa bệnh, cứu sống các bé.
Việt Nam hiện có 4 cơ sở thực hiện can thiệp bào thai, gồm Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Từ Dũ, Sản Nhi Bắc Ninh và một bệnh viện tư nhân. Riêng tại BV Phụ sản Hà Nội, đã có gần 240 ca can thiệp bào thai thực hiện thành công.
Theo các chuyên gia, việc phát hiện sớm những bất thường của thai nhi ngay từ tuyến cơ sở cũng rất quan trọng, nhằm tăng cơ hội cứu sống mẹ và thai nhi khi được can thiệp, điều trị kịp thời.
Dự kiến, trong năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sẽ triển khai các kỹ thuật mới trong lĩnh vực này với thai nhi ở mức cao hơn như các bệnh lý thoát vị hoành, tim bẩm sinh, Spina Bifida, dẫn lưu dịch màng phổi, ứ nước đài bể thận...
Ước tính, tại Việt Nam hiện nay, cứ 100 trẻ sinh ra thì có 2 trẻ có vấn đề về sức khỏe hoặc mang thương tật suốt đời. Y học bào thai là một chuyên khoa sâu của sản khoa tập trung vào việc quản lý các vấn đề sức khỏe của người mẹ và thai nhi trước, trong và ngay sau khi mang thai.
Đối với thai nhi, các bác sĩ y học bào thai thực hiện các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán trước khi sinh, áp dụng phương pháp điều trị và thực hiện phẫu thuật can thiệp bào thai phù hợp.