Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cảnh báo: Bùng phát dịch sởi tại TPHCM, 97% bệnh nhân không được tiêm chủng

(VOH) - Từ năm 2018 đến hết tháng 2/2019, TPHCM ghi nhận gần 4.330 trường hợp mắc sởi, trong số bệnh nhân hơn 9 tháng tuổi ghi nhận có đến 97% bệnh nhân không được tiêm chủng.

Sởi xuất hiện 24/24 quận, huyện với 89% phường xã có ca bệnh. Trước tình hình đáng ngại về gia tăng sởi trong cộng đồng, ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn làm việc các vụ, cục liên quan đã có buổi giám sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thực tế kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Ảnh: Nhất Hương

Sợ phản ứng khi tiêm ngừa sởi

Tại buổi làm việc với với Trung tâm y tế dự phòng Quận 8 và Trạm y tế phường 15, quận 8, bà Nguyễn Thị Hồng Biên - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8, báo cáo nhanh công tác phòng chống sởi. Năm 2018, số ca mắc sởi của quận 8 là 81 ca trong đó hơn 48% số ca bệnh là đối tượng tạm trú.

Bà Nguyễn Thị Hồng Biên nêu một số khó khăn như sau: "Việc tiêm ngừa sởi và phòng chống dịch sởi trên địa bàn quận 8 gặp vô vàn khó khó khăn, thứ nhất là trên địa bàn quận 8 phức tạp, dân nhập cư nhiều, thứ hai nhiều phụ huynh còn sợ phản ứng tiêm chủng nên không đưa trẻ đi tiêm".

Báo cáo với bộ trưởng, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành, cho biết, theo thống kê, trong năm 2018, số liệu tiêm mũi 1 sởi 9 tháng thành phố đạt hơn 96%, trong đó tiêm chủng dịch vụ góp phần là 29,5%. Còn riêng mũi 2 chỉ mới 80%, chưa đạt theo yêu cầu chiến dịch. Về kết quả chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, toàn thành phố có hơn 156.600 trẻ được tiêm, chiếm 53%, 47% qua rà soát không tham gia tiêm. Vì vậy độ bao phủ phòng bệnh sởi, rubella của đối tượng cần tiêm sởi trên toàn thành phố đạt hơn 85% không đạt mục tiêu 95% miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói: "Mặc dù chúng ta truyền thông rất nhiều, vận động, phối hợp cùng nhà trường, cùng ngành giáo dục nhưng trong cộng đồng vẫn có một số đối tượng rất khó để họ đưa trẻ đi tiêm, mà việc chế tài lại chưa có nên cũng không có biện pháp nào ngoài truyền thông vận động".

Không mắc sởi phải chích ngừa đúng lịch

Là bác sĩ điều trị lâu năm trong chuyên ngành nhiễm nhi, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, muốn ngăn chặn bệnh sởi căn cơ thì phải chích ngừa đúng lịch và tiêm vét. Phải làm sao triển khai tiêm đạt bao phủ tại 3 nơi là trường học, bệnh viện, khu vực nhà trọ. Hiện nay, theo bác sĩ Khanh, lỗ hổng lớn cần được cảnh báo trong công tác tiêm chủng là mũi sởi đơn 9 tháng với người thành thị hiểu biết thì lại không tiêm, chờ đến tiêm dịch vụ lúc 12 tháng.

"Phải mở rộng ra nhờ các điểm tiêm dịch vụ chích sởi đơn, thì khi dân ta đem con đến chích dịch vụ từ 2 tháng tuổi thì đưa lịch vô sổ, nếu không lỗ hổng đó là trẻ từ 9 đến 12 tháng không được chích sẽ bị mắc sởi. Thứ 2 là khi đưa trẻ chích mũi 3 trong 1 dịch vụ lúc 12 tháng tại các điểm tiêm dịch vụ được huấn luyện thông tin đến phụ huynh là đến 5, 6 tuổi trẻ phải chích lại, nếu không chích lại, trẻ không đủ miễn dịch thì cũng mắc sởi", bác sĩ Khanh cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thực tế kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM

Bộ trưởng tiếp xúc thân nhân và bệnh nhi tại bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Ảnh: Nhất Hương

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế nêu thực tế, cần quyết liệt với các điểm tiêm chủng dịch vụ nếu các đơn vị đó tư vấn không đúng. "Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không làm đúng thì Sở có thể rút giấy phép, chứ không phải các điểm dịch vụ muốn làm như thế nào thì làm", ông Trần Đắc Phu đề nghị.

Sau khi nghe các ý kiến phân tích, nhận định, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế TP phối hợp với ngành giáo dục, UBND các quận, huyện tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh điều tra tình trạng tiêm chủng trong cộng đồng, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi để vận động phụ huynh tiêm chủng cho trẻ đầy đủ.

Bên cạnh đó, công tác tuyền thông trực tiếp tại những khu vực đông dân nhập cư, nhà trọ công nhân để họ hiểu đúng về tiêm chủng vắc-xin cũng cần được chú trọng, kết hợp với tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Bộ trưởng chỉ đạo: "Với TPHCM, cái mới là tiêm chủng tại trạm y tế phải 1 tuần một lần, không phải 1 tháng 1 lần như trước giờ. Hai là cho chỉ định tiêm ngừa trong bệnh viện rộng hơn, và các đối tượng tiêm dịch vụ ở lứa tuổi lớn hơn nếu có chiến dịch. Ba là phải có truyền thông trực tiếp kết hợp sốt xuất huyết và các bệnh khác, cần thiết có những khu vực phải đưa thùng y tế đi tiêm cho người dân, vì sót 5% chưa tiêm cũng đủ để bùng phát bệnh huống chi là 15%".

Một số ý kiến kiến nghị với bộ trưởng, để đạt độ bao phủ sởi cao thì cần đưa vắc-xin sởi mũi đơn 9 tháng của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Ngoài ra, cần tuyên truyền đúng để người dân nâng cao nhận thức, không theo phong trào “anti vắc-xin” xuất hiện trên mạng xã hội tạo ra làn sóng tẩy chay vắc xin vô cùng nguy hiểm.

Bình luận