Cảnh báo: nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát dịp cuối năm

(VOH) - Mùa đông xuân tiết trời trở lạnh là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút cúm bùng phát, nguy hiểm nhất vẫn là cúm gia cầm trên người. Hiện tại, cả nước đã ghi nhận 6 ổ cúm gia cầm H5N1 ở 5 tỉnh thành, thêm vào đó tập quán ăn uống, tiêu thụ gia cầm sống không đảm bảo an toàn luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trên người.

                    Chủ động tiêm phòng gia cầm để dịch bệnh không lây sang người. Ảnh minh họa

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm từ lợn vì từ đầu năm đến nay đã có trên 80 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 10 ca tử vong. Đáng lo ngại hơn khi tại TPHCM, sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm, trung bình khoảng 1.000 ca nhập viện mỗi tuần. Chỉ trong tháng 11, có hai trường hợp tử vong vì bệnh này ở người lớn. PV Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn với TS Trương Đình Bắc -  Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.

 

Các loại cúm

VOH: Tiết trời trở lạnh một số dịch bệnh có nguy cơ phát sinh, đáng ngại nhất là cúm A H5N1 vì rải rác tại một số tỉnh thành đã có ổ dịch cúm gia cầm. Vậy chủ động đối phó với cúm này như thế nào thưa ông?

TS Trương Đình Bắc: Thời điểm này, may mắn là chúng ta chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A H5N1. Nhưng nguy cơ của cúm này có lây sang người luôn tiềm ẩn. Theo giám sát của cơ quan thú y, chủng cúm A H5N1 trên đàn gia cầm và thủy cầm dù mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện bệnh do vậy chúng ta không biết lúc nào gia cầm bị bệnh, lúc nào không.

Thứ hai, dịp cuối năm nhiều lễ hội, việc tiêu thụ sản phẩm từ gia cầm sẽ tăng cao, do vậy để chủ động đối phó với việc cúm A H5N1 lây sang người phải chú ý mấy việc sau: với hộ chăn nuôi gia cầm phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thú ý, tiêm phòng vắc xin phòng chống cúm A H5N1 trên đàn gia cầm theo chỉ đạo của cơ quan thú y địa phương, đảm bảo phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc gia cầm. Khi tiếp xúc gia cầm hay dọn dẹp chuồng trại phải rửa tay bằng xà phồng và đeo bảo hộ.

Riêng về các bệnh nhân mắc cúm A H5N1, theo thống kê của Bộ Y tế thì hầu hết liên quan đến giết mổ và ăn thịt gia cầm bệnh. Vì thế tuyệt đối không giết mổ, bán, tiêu thụ sản phẩm gia cầm bị bệnh mà phải xử lý theo đúng quy định của thú ý địa phương. Gia cầm bị bệnh, không giết mổ, không ăn và các sản phẩm gia cầm phải được nấu chín kỹ.

Bệnh liên cầu lợn

VOH: Đối với bệnh liên cầu lợn cả nước từ đầu năm đến nay có 10 trường hợp tử vong do ăn thịt heo nhiễm khuẩn. Việc phòng chống dịch bệnh này có khó khăn không khi thói quen ăn thịt không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại, nhất là món khoái khẩu tiết canh, thưa ông?

TS Trương Đình Bắc: Bệnh liên cầu lợn do chúng ta ăn sản phẩm từ lợn mắc bệnh, những món ăn có thể lan truyền bệnh từ lợn bệnh sang người : tiết canh, nem, chạo, những món sống chưa nấu chín kỹ từ phủ tạng như gan, tim, thận..Đây là bệnh rất nguy hiểm dù chưa lây từ người sang người nhưng ai cũng có nguy cơ mắc bệnh khi ăn phải thịt lợn bệnh.

Chúng tôi đề nghị cơ quan thú y giám sát chặt chẽ, vệ sinh chăn nuôi, dịch bệnh lợn tai xanh. Trong vùng dịch phải xử lý tiêu hủy theo đúng quy định. Tuyên truyền người dân khi lợn bệnh không bán các sản phẩm ra thị trường, không giết mổ để ăn. Người tiêu dùng nên mua thịt lợn có dấu kiểm dịch của thú y ở nơi đảm bảo an toàn, đặc biệt không nên ăn món tiết canh, không nên ăn các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.

Bệnh sốt xuất huyết

VOH: Sốt xuất huyết vẫn là cao điểm của TPHCM khi hiện nay hàng tuần có khoảng 1.000 ca sốt xuất huyết nhập viện, vấn đề khó khăn của TPHCM là nhiều phường, xã trọng điểm chống dịch chưa hiệu quả. Với dịch bệnh thường quy hàng năm như sốt xuất huyết, ông có lời khuyên nào gửi đến cộng đồng ?

TS Trương Đình Bắc: Sốt xuất huyết hiện vẫn cao, các tỉnh phía Nam nên tập trung vào diệt bọ gậy tại hộ gia đình. Khó khăn lớn là các phế thải, phế liệu ở kênh rạch, ở ngoài vườn. Theo trung tâm y tế dự phòng TP có nhiều tụ điểm kinh doanh buôn bán, họ thả rác xuống sông trôi nổi thành bè, đống rác... thì những chỗ đó chứa nhiều phế thải, vật chứa nước bọ gậy sinh sôi, khó kiểm soát. Do vậy, ngoài diệt bọ gậy hằng tuần phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là quần áo treo gọn sạch sẽ tránh làm nơi muỗi trú ẩn truyền bệnh sang người.

Người dân cần hợp tác với y tế bởi chỉ khi nào tất cả mọi người cùng diệt lăng quăng bọ gậy, cùng tham gia phun thuốc diệt muỗi thì mới khống chế được dịch bệnh một cách nhanh chóng. Cơ quan chức năng tuyên truyền người dân biết dấu hiệu của bệnh nhất là dấu hiệu trở nặng để kịp thời đến cơ sở y tế, tuyệt đối không tự truyền dịch và điều trị tại nhà./.

VOH : Cảm ơn ông !