Bệnh viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh, trẻ sốt sau đó co giật, rơi vào hôn mê. Tại khoa nhiễm sáng 8/6 đang điều trị tích cực cho 6 bệnh nhi viêm não Nhật Bản nặng, tiên lượng xấu.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1
Bệnh diễn tiến nhanh, dễ hôn mê và tử vong
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, bệnh này chủ yếu thường gặp ở trẻ em vùng nông thôn, dễ mắc bệnh do không tiêm ngừa.
Đặc biệt những nơi có ruộng lúa, nuôi heo, hay ở miền Bắc khi vào mùa vải chim tu hú xuất hiện cũng là vật trung gian mang mầm bệnh. Virút bắt nguồn từ heo, chim tu hú sẽ truyền sang người qua loài muỗi ruộng – đây là muỗi thường sinh sản và trú ở ruộng lúa nước, đồng ruộng.
Đây là bệnh cấp tính, làm tổn thương hệ thần kinh trung ương nghiêm trọng thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Nghiêm trọng nhất là viêm não Nhật Bản diễn tiến đặc biệt nhanh, hầu hết là trường hợp nặng, khó cứu chữa nên phụ huynh nhất là những gia đình ở nông thôn có trẻ nhỏ cần phải lưu ý.
Phòng bệnh viêm não Nhật Bản bằng vắc xin
Cha mẹ hãy tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch như sau:
Mũi thứ nhất cần tiêm ngừa ngay lúc trẻ được 1 tuổi.
Mũi tiêm thứ hai sau khi tiêm ngừa mũi thứ nhất cách nhau từ 1 đến 2 tuần.
Mũi thứ ba cách mũi tiêm thứ hai là một năm và sau đó khoảng từ ba đến bốn năm, tiêm nhắc lại cho trẻ một lần đến khi trẻ qua giai đoạn 15 tuổi.
Biện pháp chủ lực và bền vững nhất phòng bệnh viêm não Nhật Bản vẫn là tiêm ngừa, tuy nhiên, nếu gia đình ở vùng quê chưa có điều kiện tiêm ngừa cho trẻ thì phải thực hiện tốt biện pháp vệ sinh nơi ở, khu vực chuồng trại nuôi heo, nhất là phải giữ cho trẻ không bị muỗi chích để phòng bệnh nguy hiểm này.