Cảnh giác trước “trend khám bệnh phát hiện ung thư” trên mạng xã hội

VOH - Trào lưu “đi khám bệnh bỗng phát hiện ung thư” xuất hiện trên TikTok và thu hút nhiều sự chú ý.

Nỗi đau thực sự của bệnh nhân ung thư

Thông tin trên Tuổi Trẻ Online, Chị L., một người dành phần lớn thời gian chăm sóc bệnh nhi ung thư tại một mái ấm, cảm thấy đau lòng khi chứng kiến những bệnh nhân thực sự phải đối mặt với căn bệnh quái ác, lại trở thành đề tài được “đu trend” trên mạng.

Hai tháng gần đây, chị L. đã phải tiễn biệt 7 bệnh nhi từng gắn bó với mình, điều khiến chị khó có thể chấp nhận được khi thấy sự đau khổ đó bị biến thành trò đùa trên TikTok.

Anh L.N.T. (35 tuổi, An Giang), người có người thân mắc bệnh ung thư máu, bày tỏ sự khó hiểu: “Bệnh tật không phải là điều đáng để khoe hay tự hào. Người bệnh phải chịu đau đớn, quằn quại cả về thể xác lẫn tinh thần, còn người thân của họ cũng phải chịu nhiều tổn thương. Tôi thật không hiểu nổi tại sao có người lại mang chuyện đó lên mạng xã hội như một thành tích.”

Một số người xem việc chia sẻ câu chuyện bệnh tật như một cách để gây chú ý, thậm chí bán hàng trên mạng xã hội. Chị N.T.D. (43 tuổi, TPHCM), đang trong quá trình điều trị ung thư vú, chia sẻ: “Tôi thường đăng những lời khuyên về sức khỏe, khuyến khích mọi người quan tâm, đi khám định kỳ và sống lành mạnh. Tuy nhiên, biến căn bệnh của mình thành công cụ để bán hàng thì không thể chấp nhận được.”

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, có những trường hợp bệnh nhân thậm chí còn đăng video về người thân đang trong những giây phút cận tử để “gây chú ý.”. 

Hành động này không chỉ làm tổn thương chính người bệnh mà còn đi ngược lại với đạo đức con người. “Xin hãy để người bệnh được yên. Họ cần được cảm thông và động viên chứ không phải là đối tượng để những người thiếu lương tâm lợi dụng,” bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

voh-21
Nhiều TikToker dùng hình ảnh bệnh tật của người khác để câu view - Ảnh: Tuoitre Online

ThS.Nguyễn Hùng Trấn, giảng viên Trường Đại học Võ Trường Toản, cảnh báo về nguy cơ của những thông tin sai lệch liên quan đến sức khỏe trên mạng xã hội. “Mỗi loại ung thư đều có phác đồ điều trị riêng, tùy thuộc vào giai đoạn và tình trạng của bệnh nhân. Việc nghe theo những quảng cáo phi khoa học từ các TikToker có thể khiến bệnh trở nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng,” ông Trấn nói.

Những “trend” độc hại không thể phát triển nếu người dùng mạng xã hội tỉnh táo. Bạn đọc Minh Nguyệt chỉ ra rằng, các TikToker thường lợi dụng cảm xúc thương cảm và sợ hãi của khán giả để kiếm lợi từ việc bán hàng hoặc tăng tương tác. “Khi sợ hãi, người ta dễ mất lý trí, vội vàng mua hàng vì sợ mình sẽ hối hận,” chị Nguyệt chia sẻ.

Độc giả An cũng cho rằng, thay vì chờ mạng xã hội thay đổi thuật toán, mỗi cá nhân có thể góp phần ngăn chặn nội dung xấu bằng cách bỏ qua các video gây tranh cãi, không tương tác với những nội dung giật gân, tiêu cực. “Không like, không share, không bình luận sẽ là cách đơn giản và hiệu quả nhất để giảm sức lan tỏa của các ‘trend’ độc hại.”

Việc chia sẻ câu chuyện cá nhân về sức khỏe có thể có ý nghĩa nếu mục đích là cảnh tỉnh mọi người chú ý đến sức khỏe và khám bệnh định kỳ. Nhưng khi nỗi đau bị lợi dụng để câu like và kiếm tiền, đây là một hành động thiếu đạo đức. Người bệnh cần được quan tâm, động viên, và chia sẻ thật lòng, không phải là công cụ của trào lưu mạng.

Bình luận