Cập nhật Covid-19 sáng 16/11: Đã 75 ngày Việt Nam không ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng

Bản tin sáng ngày 16/11, của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết không có ca mắc COVID-19 mới.

Sáng 16/11, Việt Nam không có ca mắc mới, thế giới có trên 54,7 triệu ca bệnh COVID-19

Việt Nam đã chữa khỏi 1.103 bệnh nhân và trải qua 75 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng. Thế giới hiện có trên 54,7 triệu ca bệnh COVID-19

Tính đến 6h ngày 16/11: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca. Tính từ 18h ngày 15/11 đến 6h ngày 16/11: 0 ca mắc mới.

Covid-19
 

Đến hôm nay Việt Nam đã trải qua 75 ngày không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã tròn 3 tháng, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 107 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.549, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 210; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.449; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 890.

Covid-19
 

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.103 bệnh nhân/ 1.281 bệnh nhân COVID-19

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 14 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 13 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Thế giới vượt 54,7 triệu ca mắc COVID-19, nhiều nước Châu Auu siết chặt các biện pháp ngăn chặn dịch

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 470.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.400 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 54,7 triệu ca, trong đó trên 1,32 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 125.000 ca), Italy (33.979 ca) và Ấn Độ (29.035 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (635 ca), Mỹ (552 ca) và Italy (546 ca).

Thế giới hiện có 11 quốc gia ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19. Mexico là nước mới nhất vượt qua mốc 1 triệu ca bệnh ngày 14/11. Mỹ vẫn là nước đứng đầu về ca mắc mới hàng ngày cũng như tổng ca mắc.

Tại châu Âu, Nga ghi nhận thêm 22.572 ca mắc trong 24 giờ qua, giảm nhẹ so với mức cao chưa từng thấy 22.702 ca được xác nhận một ngày trước. Như vậy, tổng số ca mắc tại Nga đã tăng lên 1.925.825 ca, trong đó 33.186 ca tử vong, trong khi 1.439.985 ca bình phục.

CH Séc thông báo số ca mắc và tử vong trong ngày do COVID-19 tại nước này đều đã giảm so với những mức cao được ghi nhận hồi đầu tháng 11 này, song Séc vẫn nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại châu Âu

Một số nước châu Âu như Pháp, Hy Lạp và Đức đang siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Tại Đông Nam Á, trong ngày 15/11, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 7.863 ca mắc COVID-19 và 132 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.055.140 ca, trong đó 25.055 người tử vong.

Lãnh đạo các nước ASEAN+3 (10 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã cam kết hợp tác chống đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN+3 lần thứ 23 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói: "Sự lây lan của dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng an ninh của nhân loại". Theo ông, việc triển khai chiến dịch y tế trên toàn cầu đóng vai trò cốt yếu trong việc dập dịch và "chúng tôi hy vọng hợp tác với các nước trong khu vực để đạt được điều này".

Ông Suga nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ 10 nước thành viên ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch, bao gồm việc tài trợ thành lập một trung tâm về các bệnh truyền nhiễm và cung cấp trang thiết bị y tế trị giá hơn 200 triệu USD.