Câu chuyện đau lòng của bác sĩ sản khoa

(VOH) - Lời kể của Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà khi trò chuyện với VOH về tai biến sản khoa.

>>>> Link nghe Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ về tai biến sản khoa 

Những sự cố y khoa đi theo bác sĩ suốt cuộc đời, có người vì chịu đựng không nổi, đành phải nương nhờ cửa Phật để tâm bình an.

Hai câu chuyện buồn của bác sĩ sản khoa

Theo lí giải của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà: “Người ta nghĩ chuyện sinh đẻ là bình thường khi gia đình hớn hở đón thành viên mới. Nhưng bác sĩ báo có biến chứng, người thân chưa chuẩn bị tâm lý nên rất khó chấp nhận.

“Sản phụ có nhiều biến chứng, dễ tai biến và rất khó lường. Không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để tư vấn đầy đủ nhất. Có trường hợp còn vài phút để quyết định cứu đứa bé nhưng nếu đợi tư vấn xong thì không kịp cứu” – Bác sĩ Thanh Hà dẫn chứng. 

Tiến sỹ - bác sỹ Thanh Hà (giữa) trò chuyện cùng TSBS Tăng Hà Nam Anh và MC Kim Ánh trong chương trình Chuyện đời-Chuyện nghề. 

Nữ bác sĩ nghẹn ngào kể hai biến cố lớn đem đến hậu quả đau buồn cho đồng nghiệp.

Câu chuyện thứ nhất về một đồng nghiệp sản khoa ở bệnh viện Từ Dũ. Khi đó có 1 trường hợp song thai, sản phụ bị tiền sản giật nặng, huyết áp lúc này tăng cao, các bác sĩ đang điều trị cho huyết áp hạ mới có thể sinh được thì chẳng may em bé mất trong bụng.

Lúc này người nhà bệnh nhân đã không kiềm chế được mà xông vào, dự định hành hung bác sĩ. Vì không chịu được áp lực, cộng với việc thức cả đêm hôm trước nên ngay sau khi giải thích xong, vị bác sỹ kia bị đột quỵ. Hơn 10 năm nay, người đồng nghiệp của bác sĩ Thanh Hà bị tàn tật phải đi xe lăn và vợ phải chăm sóc hàng ngày.

Trường hợp thứ hai là một nữ bác sĩ ở Buôn Ma Thuột. Trong quá trình sản phụ sinh thì không may em bé suy thai, mất tim thai nên đã mất. Người nhà phát đơn kiện, vị bác sĩ này ngày nào cũng phải đến làm việc với công an, viết hết tường trình này đến tường trình khác.

Sau đó, mọi chuyện đã được giải quyết nhưng có lẽ vì tổn thương tinh thần, sự nặng nề của sự việc nên nữ bác sĩ đã cùng hai con nương nhờ cửa Phật.

“Kể ra mới biết, sản phụ khoa thật sự là một ngành nghề nguy hiểm nhưng lại ít được thông cảm“  - bác sỹ Hà chia sẻ. 

Thấy mẹ ôm con, chúng tôi vui lắm!

Dù có nhiều khó khăn, gian truân, ít được thông cảm nhưng bác sĩ sản khoa vẫn có nhiều niềm vui với nghề.

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà bộc bạch: “Bản thân tôi 33 năm nay vẫn yêu nghề, đam mê.

“Khi sản phụ đi vào đau đớn biết bao nhiêu, người nhà đi theo lo lắng, hồi hộp. Sau đó thì có thêm một em bé ra đời, gia đình vui, nhìn mẹ đùa với con, ôm con, ru con là mình vui lắm. Đây cũng là động lực giúp tôi theo nghề hơn 30 mấy năm nay.

Đây như một cái nghiệp mình không bỏ được. Vài ba ngày không ai sinh đẻ thì thấy bồn chồn, thấy thiếu thứ gì đó, khó chịu lắm.”

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà mong muốn: “Người dân, đặc biệt là gia đình sản phụ, sản phụ phải trang bị kiến thức thật tốt, thật sâu. Các bác sĩ trẻ hãy nhớ nhiệm vụ duy nhất là cứu người, coi bệnh nhân là người thân và mong muốn có hành lang pháp lí cho bác sĩ. 

Mong thai phụ và gia đình có sự thông cảm vì bác sĩ ai cũng luôn muốn cứu người. Trừ trường hợp thiếu trách nhiệm gây hậu quả thì cần xử lí, còn xui rủi thì cần lắm sự thấu hiểu nhau”. 

Video Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ về tai biến sản khoa