Cây muồng trâu và những cách dùng chữa bệnh ngoài da, táo bón

(VOH) – Cây muồng trâu là loại cây được trồng và mọc lan rộng ở những nơi có thời tiết nóng. Đây cũng là vị thuốc quý có thể giúp phòng và chữa nhiều loại bệnh, trong đó có cả chứng táo bón.

1. Tìm hiểu về cây muồng trâu

Muồng trâu hay còn gọi là muồng lác hay cây lác, có tên khoa học Senna alata L., thuộc phân họ Vang. Đây là loại cây bản địa của Mêhicô, nhưng hiện đang phân bố tại rất nhiều nơi trên thế giới. Ở những vùng nhiệt đới loại cây này có thể sinh trưởng ở độ cao 1.200m. Tại Việt, cây muồng trâu mọc khắp nơi, thường gặp nhiều ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau.

Cây muồng trâu thuộc dạng cây thảo, cao khoảng 1.5m. Lá kép hình lông chim. Hoa to, chùm hoa dài cao, có màu vàng cam. Quả dẹt, có cánh hai bên rìa, chứa tới khoảng 60 hạt bên trong.

cay-muong-trau-va-nhung-cach-dung-chua-benh-ngoai-da-tao-bon-1-voh

Cây muồng trâu mọc hoang khắp nơi ở nước ta (Nguồn: Internet)

Loại cây này có thể trồng bằng cành hoặc bằng hạt. Cây ưa đất cao ráo, ẩm ướt. Người ta thường thu hái lá và thân cây muồng trâu vào mùa hè thu, trước khi cây ra hoa, dùng tươi hay phơi nắng cho khô. Quả được thu hái vào tháng 10 - 12, lấy hạt phơi khô hay dùng tươi.

Theo sách Cây thuốc trị bệnh thông dụng – TS Võ Văn Chi (NXB Thanh Hóa), trong lá, quả và rễ cây muồng trâu đều có chứa các dẫn chất anthraquinon. Hàm lượng có trong lá 0.15 – 0.20%, trong quả là 1.5 – 2%. Ngoài ra, bên trong lá cây muồng trâu còn chứa chất Chrysophanol, aloe emodin, rheum emodin, favonoit. Các nghiên cứu cũng đã tìm ra được một chất steroid là sitosterol có trong rễ cây muồng trâu.

2. Cây muồng trâu có tác dụng gì?

Sách Cây thuốc trị bệnh thông dụng cũng có viết, các bộ phận của cây muồng trâu thường có vị hơi đắng, mùi hăng hắc, tính mát. Tác dụng cây muồng trâu là giúp nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Nếu đem sao vàng, vị thuốc này sẽ có thể giúp nhuận gan, tiêu thực, tiêu độc, tiêu viêm.

Bộ phận dùng làm thuốc thường là lá và thân cành, đôi khi dùng cả quả, rễ và gỗ cây, nhưng phổ biến nhất là dùng lá muồng trâu. Trong Y học cổ truyền, muồng trâu có hai công dụng chính là chữa bệnh ngoài da và làm thuốc nhuận tràng. 

2.1 Tác dụng lá muồng trâu chữa bệnh ngoài da

Với bệnh ngoài da, người ta thường dùng lá muồng trâu còn tươi đem giã nát, sau đó lấy tăm bông chấm vào nước muồng trâu bôi lên những chỗ bị lác đồng tiền, hắc lào trên cơ thể.

Trường hợp bị nấm ngoài da, dị ứng da, có thể dùng lá muồng trâu sắc đậm đặc dùng để tắm hoặc đắp thẳng lên da, hay chế biến thuốc dán từ lá muồng trâu và đắp trực tiếp lên da.

Một số kinh nghiệm dân khác, người ta xay lá muồng trâu trong nước ấm và bào chế như kem, thường bôi vào nơi bị kích ứng 3 – 4 lần/ngày.

Nếu không sử dụng lá, có thể sử dụng 5 - 20g cuống lá và quả khô (không hạt) cây muồng trâu, ngâm trong 1 lít nước đun sôi, uống 1 tách vào buổi tối.

cay-muong-trau-va-nhung-cach-dung-chua-benh-ngoai-da-tao-bon-voh

Muồng trâu là một vị thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền (Nguồn: Internet)

2.2 Tác dụng lá muồng trâu trị táo bón

Ngoài chữa bệnh ngoài da, lá muồng trâu còn được dùng làm thuốc nhuận tràng cho những người thường xuyên bị táo bón, bị ngứa hậu môn do táo bón kinh niên gây ra,.... Để làm thuốc, bạn lấy lá muồng trâu tươi giã nát lấy nước uống, hoặc lá khô sắc lấy nước dùng. 

Có thể phơi khô lá muồng trâu, tán thành bột rồi làm thành từng viên để sử dụng. Đơn giản nhất là phơi lá muồng trâu, xay nhuyễn rây lấy bột, mỗi ngày dùng 2 – 6g bột pha với nước và uống. 

Khi kết hợp lá, cành rễ cây muồng trâu sao vàng uống sẽ có tác dụng làm mát gan, chữa phù thũng, vàng da. Dung dịch nước ép lá nghiền nát, lọc và pha loãng là một chất nước có thể dùng súc miệng để trị đau cổ viêm họng rất hiệu quả.

Tuy nhiên cần lưu ý, không sử dụng lá muồng trâu trong một thời gian dài. Những người có tỳ vị hư hàn (thường bị đau bụng, tiêu chảy) thì không nên uống nước lá muồng trâu vì có thể sẽ bị tiêu chảy.

Bình luận