Bạch chỉ có tên khoa học là Angelica dahurica, là một loài thực vật thuộc họ Hoa tán, phân bố nhiều ở Đông Siberi, đông bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Ở Việt Nam, bạch chỉ còn có các tên gọi khác là: bạch chiểu, chỉ hương, cửu lý trúc căn, đỗ nhược, hòe hoàng, lan hòe, linh chỉ, ly hiêu, phương phương....
1. Tìm hiểu về cây bạch chỉ
Cây bạch chỉ là dạng cây thảo sống lâu năm, cao từ 1 – 2m. Thân cây tròn, rỗng màu tím hồng tía hay trắng, có lông tơ phía trên. Hoa tán, màu trắng hình trứng ngược, có khía. Bầu nhụy nhẵn nhụi hay có lông tơ. Quả gần tròn. Rễ cây hình trụ, có màu nâu, mùi thơm.
Bạch chỉ chính là rễ củ phơi hay sấy khô của cây bạch chỉ (Nguồn: Internet)
Cây bạch chỉ thường mọc ở bìa rừng hay thung lũng đồng cỏ, ven suối. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ thường gọi là bạch chỉ. Thu hoạch vào mùa thu đông, khi thấy một vài lá ở phần gốc cây úa vàng, đào thử thấy củ to, chắc thì có thể thu hoạch được. Sau khi đào củ của cây bạch chỉ về đem rửa nhanh, cắt bỏ rễ con, phân riêng những củ có kích thước như nhau, phơi hay sấy nhẹ cho khô.
2. Công dụng của bạch chỉ trong y học cổ truyền
Công dụng của bạch chỉ mới được dùng trong phạm vi Đông y. Trong Đông y, bạch chỉ có mùi thơm hắc, vị cay hơi đắng, tính tân ôn, vào các kinh phế, vị, đại tràng.
Bạch chỉ có tác dụng khứ phong, thẩm thấp, hoạt huyết bài nùng sinh cơ, giảm đau, dùng để làm thần kinh hưng phấn làm cho khí huyết trong toàn thân vận chuyển mau chóng, làm thuốc thư gân, ra mồ hôi, xích bạch đới, thông kinh nguyệt.
Ngoài ra, tác dụng của bạch chỉ là giúp giải cảm hàn, dùng trong các bệnh do lạnh gây ra, biểu hiện bên ngoài là đau đầu, chủ yếu đau đầu phần trán và đau nhức phần xương lông mày, hốc mắt hoặc đau mắt kèm theo chảy nước nước. Bên cạnh đó, bạch chỉ còn có tác dụng giải độc trừ mủ (bài nùng), ghẻ lở, chữa nhọt độc, viêm tuyến vú hoặc rắn độc cắn (phối hợp với bồ công anh, kim ngân hoa, cam thảo)...
Bạch chỉ hiện chỉ mới được dùng trong phạm vi Đông y (Nguồn: Internet)
Mặc dù bạch chỉ chưa được sử dụng trong y học hiện đại, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu tác dụng dược lý của loại cây này và kết quả cho thấy, bạch chỉ có tác dụng:
- Kháng khuẩn đối với các loại Shigella và Salmonella (theo tài liệu Trung Dược Học)
- Kháng khuẩn đối với các chủng phế cầu Diplococcus Pneumoniae, liên cầu Streptococcus Hemolyticus, tụ cầu vàng Staphylococcus Aureus, Bacillus Subtilis, Shigella Sonnei, Shigella Flexneri, Shigella Shiga, Shigella Dysenteriae, Enterococcus, Vibrio Cholerae và Bacillus Typhi.
- Ngoài ra, bạch chỉ còn có tác dụng kháng virus (theo Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
3. Một số đơn thuốc trong Đông y có sử dụng bạch chỉ
Một số bài thuốc dùng bạch chỉ được sử dụng trong Đông y là:
- Chữa cảm lạnh: Bạch chỉ 3g, đậu khấu 3g, cam thảo 3g, sinh khương 5g, thông bạch 3g, đại táo 6g. Sắc uống.
- Chữa viêm mũi sinh đau đầu: Bạch chỉ 9g, thương nhĩ 9g, tân di 9g, bạc hà 4.5g. Tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày uống 2 – 3 lần.
- Chữa mụn nhọt đau nhức, mưng mủ nhưng chưa vỡ: Bạch chỉ 3g, thanh bì 3g, đương quy 4g, tạo giác thích 2g, xương truật 3g, ý dĩ 6g. Sắc uống ngày 1 tháng.
- Chữa đau bụng hành kinh hoặc trước khi hành kinh: Bạch chỉ 8g, ngưu tất, đan sâm mỗi vị 12g; quế chi, can khương, bán hạ chế, uất kim mỗi vị 8g. Sắc uống trong ngày.
- Chữa bế kinh do ứ trệ máu: Bạch chỉ 8g; đan sâm, ngưu tất mỗi vị 12g; quế chi, tía tô, uất kim, nga truật mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm tuyến vú giai đoạn đầu: Bạch chỉ, triết bối mẫu, mỗi vị 6g; đương quy 9g; nhũ hương (chế) 4.5g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền nhiều thang tới khi triệu chứng thuyên giảm.
- Chữa bạch đới (với các biểu hiện lượng đới nhiều, tinh thần uể oải, mặt phù vàng, tay chân lạnh, đại tiện lỏng hoặc hai chân phù thũng): Bạch chỉ 10g, long cốt 10g, phục linh 10g, xích thạch chi 10g, can khương 5g, sơn dược 10g, bạch truật 10g, mẫu lệ 10g, lộc giác 10g, bạch thược 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Liệu trình điều trị 10 thang.
Lưu ý, không dùng bạch chỉ cho những người âm hư hỏa vượng hay những người đang bị dị ứng.
Ngoài ra, cần phân biệt bạch chỉ với cây có tên bạch chỉ nam (hay còn gọi là cây mát rừng, tên khoa học là Millettia pulchra Kurz, họ cánh bướm Papilionaceae). Bạch chỉ nam thuộc loại cây bụi, nhỡ, cao 5 – 7m. Cành hình trụ, có khía dọc. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le. Hoa mọc thành chùm màu tím nhạt. Quả loại đậu.
Cây bạch chỉ nam (Nguồn: Internet)
Ở nước ta, bạch chỉ nam thường phân bố ở một số tỉnh miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lạng Sơn... Người ta thường thu hái rễ củ để làm thuốc trị đau bụng.
4. Tác dụng của bạch chỉ trong làm đẹp
Tác dụng của bạch chỉ không chỉ hữu ích đối với sức khỏe mà còn có công dụng tốt trong việc làm đẹp. Nhiều tài liệu ghi chép, bạch chỉ có tác dụng làm đẹp da, chữa nám da. Tuy nhiên, để phát huy tốt tác dụng thường phải kết hợp bạch chỉ với nhiều vị thuốc khác.
Một trong số những phương thuốc được sử dụng trong làm đẹp là: Dùng bạch chỉ 30g, bạch liễm 30g, bạch truật 30g, bạch cập 15g, bạch phụ tử 9g, bạch linh (bỏ vỏ) 9g, bạch tế tân 9g. Đem tất cả các vị sấy khô, tán thành bột mịn, hòa với lòng trắng trứng gà rồi nặn thành viên to bằng đầu ngón tay út, đựng trong lọ sứ dùng dần.
Mỗi tối, sau khi rửa mặt dùng nước ấm hòa với thuốc thành chất lỏng sệt bôi lên mặt thành một lớp mỏng, để trong khoảng 1 tiếng rồi rửa sạch. Phương thuốc này có tác dụng khu phong hoạt huyết, làm mềm và trắng da, phòng chống các vết nhăn trên da mặt.