Thắc mắc của thính giả:
Chào bác sĩ! Em bị bệnh về mũi, thường xuyên chảy nước mũi, dịch mũi có vị mặn và lỏng như nước. Em thường bịt một bên mũi rồi xì mũi bên kia để làm sạch mũi, tuy nhiên, chẳng bao lâu thì nước mũi lại tiếp tục chảy xuống. Bên cạnh đó, em còn thấy hay nhức đầu. Em có đi bệnh viện khám thì bác sĩ chẩn đoán là viêm xoang phù nề và viêm họng. Bác sĩ có cho em dùng thuốc rửa mũi, khí dung và thuốc uống. Em muốn hỏi bác sĩ có cách nào chữa hiệu quả tình trạng chảy nước mũi của em hay không? Nếu em dùng khí dung nhiều thì có sao không?
Chảy nước mũi là triệu chứng vô cùng khó chịu (Nguồn: Internet)
1. Sử dụng khí dung nhiều có sao không?
Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), có nhiều loại khí dung với nhiều thành phần khác nhau. Vì vậy, tùy vào loại khí dung sử dụng mà gặp tác dụng phụ hay không.
Thông thường, với các loại khí dung có pha cortisol (loại này sẽ giảm triệu chứng tức thì) khi sử dụng lâu dài, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng khí dung với liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định.
2. Chảy nước mũi nên làm gì?
Chảy nước mũi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng,…Do đó, nếu tìm được nguyên nhân và điều trị dứt điểm thì chứng chảy nước mũi sẽ không còn. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này khiến bạn khó chịu thì có thể áp dụng một số cách dưới đây mà bác sĩ Bay đã chia sẻ:
2.1 Rửa mũi bằng dung dịch nước muối loãng
Dùng dung dịch nước muối loãng để rửa mũi hàng ngày. Người bệnh nên mua dụng cụ rửa mũi ở các nhà thuốc, sau đó bơm dung dịch rửa mũi vào một bên mũi và cho nước chảy ra mũi bên kia để vệ sinh mũi. Thực hiện cả 2 bên mũi. Với cách này, mỗi ngày người bệnh nên thực hiện 2 – 3 lần.
2.2 Dùng các thảo dược trong Y học cổ truyền
Bác sĩ Bay cho biết, trong Y học cổ truyền có các loại thảo dược giúp chống viêm (hay còn gọi là kháng sinh thực vật). Các loại tinh dầu trong thảo dược sẽ giúp làm thông mũi họng, giảm xuất tiết, chống viêm,…từ đó khắc phục được chứng chảy nước mũi thường xuyên.
Thực tế cho thấy các loại kháng sinh thực vật có tác dụng chậm hơn các loại thuốc kháng sinh của y học hiện đại. Tuy nhiên, kháng sinh thực vật thường ít tác dụng phụ hơn.
Với kháng sinh thực vật, người bệnh có thể dùng các loại như kim ngân hoa, liên kiều, thương nhĩ tử, hoàng cầm, tân di hoa, trần bì,…đây là các loại thảo dược vừa có tính kháng sinh vừa giúp giảm xuất tiết, giúp làm thông mũi họng để ngăn chặn tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi.
Lưu ý: Trước khi dùng các loại thảo dược của Y học cổ truyền, người bệnh nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc chuyên gia.
Như vậy, để khắc phục chảy nước mũi, người bệnh cần xác định nguyên nhân gốc và điều trị dứt điểm. Bên cạnh đó, hãy chú ý vệ sinh mũi sạch sẽ hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: