Chiều 4/3: Đã tiêm trên 196,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19

(VOH) - Đến chiều ngày 4/3, cả nước đã tiêm trên 196,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 40,5 triệu liều bổ sung, nhắc lại;

Các địa phương nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virur, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, vật tư y tế cần thiết.

Đã tiêm hơn 17 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h ngày 4/3 cho biết cả nước đã tiêm hơn 196,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 3/3, cả nước tiêm 647.273 liều vaccine.

Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.871.881 liều: Mũi 1 là 70.780.325 liều; Mũi 2 là 67.485.548 liều; Mũi 3 là 1.444.843 liều; Mũi bổ sung là 14.055.038 liều; Mũi nhắc lại là 25.106.127 liều

Đến nay 62/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; Chỉ còn duy nhất 1/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

tiêm

Đến chiều ngày 4/3, cả nước đã tiêm trên 196,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 40,5 triệu liều bổ sung, nhắc lại.

Về số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.005.133 liều, trong đó mũi 1: 8.735.239 liều; Mũi 2: 8.269.894 liều.

Đã có 54/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên 90%; còn 09/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine, tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; 

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở;

 Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới).  

Sớm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ngay khi có vaccine

Trả lời các cơ quan báo chí liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước khi xây dựng kế hoạch, Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và được cho ý kiến. Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cũng đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về nội dung này, sau đó Bộ đã tổng hợp ý kiến trình Chính phủ.

Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua vaccine này với số lượng 21,9 triệu liều, tiêm cho khoảng 11,8 triệu trẻ em. Thủ tướng đã có quyết định cho Bộ Y tế mua theo cơ chế đặc biệt, theo điều 26 của Luật Đấu thầu.

Cùng với đó, căn cứ ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương để lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh từ 5-11 tuổi. Theo đó, tỷ lệ "đồng tình cao" khoảng 78%. Tỷ lệ "đồng tình" khoảng 18%, tổng cộng đạt 95 - 96%.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đang thúc đẩy các thủ tục để dự kiến trong tháng 3 sớm hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Hiện nay chúng ta cơ bản đã thống nhất, chỉ còn là thủ tục. Dự kiến trong quý 1/2022, 7 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi sẽ về Việt Nam. 14,9 triệu liều còn lại được giao trong quý 2. Bộ Y tế sẽ sớm triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine phù hợp.

Về kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho biết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 dưới 12 tuổi và kế hoạch này cơ bản đã hoàn tất. Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 970.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 cần tiêm.

Tăng cường thanh kiểm tra phát hiện hành vi đầu cơ, thổi giá thuốc điều trị COVID-19

Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.

Nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virur, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, vật tư y tế cần thiết…tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị COVID-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà.

Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm virus để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.   

Sở Y tế TPHCM đã có văn bản khẩn gửi phòng y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP HCM về tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.

Sở Y tế đề nghị phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các phòng khám, nhà thuốc trên địa bàn và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 đúng quy định. 

Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu, mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc. 

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý.