Theo VnExpress, Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, cả hai cách đều làm chín thịt và ăn được. Nhưng, mỗi cách đều có một tác dụng riêng.
Khi luộc thịt, hầu hết các bà nội trợ đều quan tâm đến việc thịt đã chín hay chưa chứ ít ai để ý đến mặt lợi và hại từ cách luộc thịt.
Với cách 1: Luộc thịt bằng nước lạnh rồi đun sôi nước từ từ
Nếu ban đầu thả miếng thịt vào nước lạnh rồi mới nấu sôi, trong quá trình luộc các dinh dưỡng ở thịt sẽ thôi ra, theo đó các chất cặn bã cũng thoát ra ngoài. Do vậy, luộc theo cách này, bà nội trợ sẽ phải vớt bọt, cặn bẩn nổi lên trên mặt nước luộc thịt.
Nên luộc thịt theo cách nào để thịt vừa ngon vừa an toàn? (Nguồn: Internet)
Với cách 2: Thả miếng thịt vào nồi nước đã sôi
Cách này sẽ khiến các thớ thịt và hợp chất protein bên ngoài se cứng, đóng vón lại khiến các chất protein bên trong thịt không thoát ra được. Tương tự, các chất bẩn, độc hại cũng đóng lại, tích tụ bên trong miếng thịt và không có bọt, bẩn nổi lên. Do đó, thịt nếu đã bẩn và tồn dư chất độc hại thì luộc theo cách này càng trở nên bẩn, độc hơn.
So với cách 1, luộc thịt theo cách 2 sẽ có được miếng thịt ngon hơn, chất dinh dưỡng được giữ lại, không bị phân hủy do đun sôi quá lâu. Tuy nhiên, cách 2 không thải được nhiều chất bẩn, chất độc trong thịt, nên về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Nhìn chung, nếu một miếng thịt sạch, không chất độc hại dù luộc bằng cách nào cũng rất bổ dưỡng và an toàn. Do đó, bạn cần loại bỏ chất bẩn và hóa chất có trong thịt bằng cách rửa lại nhiều lần bằng nước sạch trước khi luộc. Ngoài ra, bạn có thể dùng một ít muối hòa tan trong nước để rửa thịt, bởi nước muối loãng cũng có tác dụng loại bỏ các chất bẩn từ thịt.