Viêm âm đạo do thiếu nội tiết xảy ra như thế nào?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, người phụ nữ sẽ phải trải qua 3 giai đoạn biến đổi sinh lý trong cuộc đời, đó là: giai đoạn dậy thì, giai đoạn sinh sản và giai đoạn mãn kinh.
Trong 3 giai đoạn này, giai đoạn mãn kinh được xem là giai đoạn gây ra rất nhiều hậu quả xấu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người phụ nữ, chẳng như: đau nhức, mất ngủ, bốc hỏa, loãng xương, các vấn đề về thần kinh,... và đặc biệt nhất là có thể gặp tình trạng viêm âm đạo do thiếu nội tiết.
Thông thường, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, buồng trứng sẽ tiết ra 2 nội tiết tố nữ là estrogen và progesterone, hai loại nội tiết này có chức năng làm lớp niêm mạc của âm đạo dày lên.
Viêm âm đạo do nội tiết gây đau rát khi "quan hệ vợ chồng" (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi mãn kinh, 2 loại tiết tố này sẽ bắt đầu suy giảm khiến lớp niêm mạc càng mỏng dần, chất dịch trong âm đạo không xuất hiện. Chính điều này làm cho âm đạo dễ bị tổn thương và viêm nếu có những tác động mạnh gây trầy xước như: vận động mạnh, “quan hệ vợ chồng”,...
Triệu chứng nhận biết viêm âm đạo nội tiết
Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà, triệu chứng viêm âm đạo do thiếu nội tiết thường gặp nhất là:
- Khô âm đạo.
- Tiết dịch màu vàng hoặc hồng, một số trường hợp có mùi hôi, có lẫn máu.
- Chảy máu âm đạo khi có quan hệ.
- Đau rát mỗi khi đi tiểu (triệu chứng giống với nhiễm trùng đường tiểu).
Những biểu hiện, triệu chứng viêm âm đạo nội tiết thường sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, cũng như những vấn đề khác của người phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Do đó, các chị em phụ nữ cần nhận biết sớm và điều trị kịp thời khi có triệu chứng.
Biện pháp điều trị viêm âm đạo nội tiết do mãn kinh
TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, khi nội tiết suy giảm chị em sẽ gặp phải tình trạng khô âm đạo nội tiết. Khi tình trạng khô âm đạo không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến viêm âm đạo nội tiết, nguyên nhân là do âm đạo khô sẽ dễ bị trầy xước và những đường hở chỗ vết thương chính là “cửa” để những tác nhân như nấm, vi khuẩn xâm nhập gây ra tình trạng bội nhiễm.
Do đó, nếu được phát hiện ở thời điểm đầu, chị em sẽ chỉ cần điều trị tình trạng khô âm đạo nội tiết với biện pháp được áp dụng là bù nội tiết. Bù nội tiết thường được chia làm 2 loại: Bù nội tiết toàn thân và bù nội tiết tại chỗ.
Phụ nữ bị khô âm đạo nội tiết sẽ được điều trị bằng cách bù nội tiết thay thế (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, thuốc bù nội tiết toàn thân thường không được khuyến khích áp dụng do có thể làm bùng phát hoặc làm xuất hiện các ung thư tiềm ẩn trong cơ thể như: ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, hoặc ung thư cổ tử cung... Do đó, nếu muốn dùng thuốc điều trị nội tiết thay thế bằng đường uống toàn thân chị em cần đến gặp bác sĩ để thực hiện:
- Tầm soát ung thư cổ tử cung.
- Kiểm tra niêm mạc tử cung dày hay mỏng (nếu dày quá sẽ không được dùng).
- Kiểm tra các vấn đề ở vú (có u, bướu hay không).
- Kiểm soát các vấn đề về tim mạch (một số trường hợp sau khi dùng thuốc nội tiết thay thế có thể khiến các bệnh lý tim mạch xuất hiện hoặc nặng hơn).
Thông thường, đối với trường hợp khô âm đạo nội tiết bác sĩ sẽ ưu tiên biện pháp điều trị nội tiết tại chỗ, do có ít tác dụng phụ hơn. Các loại thuốc đặt tại chỗ thường có thành phần từ thiên nhiên khi đặt vào âm đạo sẽ làm lán niêm mạc và giúp tổn thương mau lành, từ đó hạn chế được các yếu tố gây khó chịu cho người phụ nữ.
Lưu ý: Khi dùng nội tiết thay thế, các chị em chỉ nên dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự tiện mua thuốc ở bên ngoài vì nó có thể làm bùng phát một loại bệnh ung thư nào đó gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Dự phòng viêm âm đạo do nội tiết bằng cách nào?
Hiện nay có nhiều loại thuốc giúp dự phòng tình trạng viêm âm đạo do nội tiết, tuy nhiên, cần biết rằng thuốc nội tiết thay thế giống như “con dao 2 lưỡi” nên chị em tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa qua thăm khám bác sĩ.
Nếu muốn phòng ngừa tình trạng viêm âm đạo nội tiết do mãn kinh, chị em nên sử những thực phẩm từ thiên nhiên như: sữa đậu nành, đậu hũ,...bởi trong những thực phẩm này có chứa chất phytoestrogen, đây là chất có thành phần gần giống estrogen của nữ. Hoặc có thể sử dụng các loại thảo dược, tuy nhiên trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ audio bên dưới: