Tiêu điểm: Nhân Humanity

Có nên cạo gió khi bị cảm?

(VOH) - Cạo gió là một biện pháp dân gian để trị cảm, giải cảm. Theo lý giải, cạo gió giúp cơ thể ấm hơn, làm gió độc thoát ra. Thật ra có đúng như vậy?

Phó Giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) tư vấn. 

Đọc giả có thể nghe hoặc đọc chi tiết

Cạo gió là một trong những phương pháp chữa bệnh độc đáo và hiệu quả được lưu truyền trong dân gian. Ảnh minh họa: internet

Cạo gió

Từ lâu, mỗi khi có bệnh, nhất là bị cảm lạnh, cảm nóng, trong người mệt mỏi, đau nhức,… nếu được cạo gió thì sẽ thấy tinh thần sảng khoái và dễ chịu nhiều hơn. Chính vì vậy, phương pháp này tồn tại khá lâu đời trong đời sống bình thường của người dân.

Trong tự nhiên, cơ thể của chúng ta sẽ có những phản ứng với môi trường, trước đây, khi nền y học chưa chứng minh được, người xưa gọi là bị trúng khí tà, khí độc từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong cơ thể, chính vì vậy làm cho người bệnh mệt mỏi, đau nhức, cảm lạnh, phát sốt … và những khi như vậy, người ta thường tìm cách giải quyết cho những triệu chứng này. Cũng chính từ đó, phương pháp cạo gió ra đời.

Người ta sử dụng rất nhiều những biện pháp, dụng cụ. Có thể dùng đồng xu, dụng cụ có đầu tròn, cứng cạnh, hay các loại muỗng bằng thiếc (sắt, đồng, sứ),…

Có nên cạo gió?

Vì sao sau khi cạo gió xong, người bệnh cảm thấy khỏe khoắn, sảng khoái hơn? Bởi vì các tế bào nhân cảm thần kinh, hệ thống hạch và vi mao mạch đều ở dưới da, do đó, khi cạo gió, chúng ta tác động đến lớp dưới da, nó giúp kích thích hệ thần kinh, các vùng lỗ chân lông, hệ thống tế bào nhân cảm thần kinh, hệ thống hạch và vi mao mạch được "đánh thức", làm cho cơ thể ấm lên và giảm tình trạng mệt mỏi rất nhiều.

Vì sao lại chọn đồng bạc? Theo nghiên cứu, khi các khí lạnh hay nắng nóng (gọi chung là khí độc) xâm nhập vào cơ thể, thì chúng đi qua các lỗ chân lông. Ở đó, người ta đo đạc được lượng lưu huỳnh cao hơn bình thường. Đồng bạc phối hợp với lưu huỳnh sẽ tạo thành một chất không tan, không thấm được vào bên trong cơ thể nên "chất độc" được thải ra ngoài và làm cơ thể chúng ta ấm lên, bớt mệt mỏi. Những nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, cạo gió là một phương pháp tốt, giúp tăng cường hoạt động của hệ thống tuần hoàn và hệ thống thần kinh, làm giãn nở cơ, làm dễ chịu và giúp lấy những chất độc trong cơ thể.

Hậu quả khôn lường

Trước tiên phải kể đến đó là việc biến tướng những dụng cụ để cạo gió. Những dụng cụ có khi là những dụng cụ quá cứng, quá sắc cạnh. Sau khi cạo gió xong sẽ để lại những vết bầm trên da, làm vỡ mao mạch.

Như vậy, các nhà nghiên cứu khuyên chúng ta nên sử dụng đồng bạc là tốt nhất. Chúng ta có thể thay thế bằng cách dùng trứng luộc chín, bỏ lòng đỏ đi, chỉ dùng tròng trắng bọc trong vải mùng hay khăn tay khi trứng còn hơi nóng dùng miết lên da. Ngoài ra, chúng ta còn có thể dùng hai bàn tay miết trên da ở các vùng như: cột sống lưng, cổ, nếp gấp của tay.

Lưu ý, khi đánh gió phải đi xuôi từ trên xuống theo chiều thuận vì khi đánh gió, chúng ta đang tác động cơ học lên hệ thống tuần hoàn của cơ thể.

Ngoài ra, khi cạo gió, đừng cố gắng cạo cho da đỏ lên, như thế sẽ làm tổn thương vi mao mạch và sẽ gây hại cho cơ thể. Khi vi mao mạch bị tổn thương, sẽ làm cho các “khí độc” càng dễ thâm nhập sâu vào cơ thể. Sau khi vỡ các vi mao mạch như vậy, sẽ gây tụ máu, bầm dưới da, do đó, sau khi cạo gió, người bệnh sau khi cảm thấy sảng khoái thì sẽ cảm thấy đau nhiều ngày sau.

Ngoài ra, còn một hậu quả khác đáng lo ngại hơn khi cạo gió làm ỡ các vi mao mạch, đó là người bệnh có thể bị nhiễm trùng, gây mụn nhọt, lở trên da nếu môi trường sống không sạch sẽ.

Lời khuyên từ bác sĩ

Theo các bác sĩ, cạo gió (đánh gió) là một phương pháp tốt có thể dùng được, ở những nơi hẻo lánh, xa thầy thuốc, giúp người bệnh có thể khỏe ngay lúc đó trong khi chờ đợi để điều trị hay dùng thuốc thêm,… nhưng tuyệt đối không được dùng những vật có thể gây ảnh hưởng không tốt, gây bầm máu, giập cơ, gây tổn thương vi mao mạch. Làm sao đánh gió chỉ để tạo sự sảng khoái nhẹ nhàng. Khi dùng đồng xu thì cũng không nên cạo mạnh và không cạo gió khắp người.

Khi cạo gió cho người bệnh cần chú ý tránh chỗ lạnh, chỗ gió lùa hay có quạt thổi vào người. Sau khi cạo gió xong, trong khoảng 30 phút, người bệnh tuyệt đối không được tắm. Nên uống một cốc nước nóng, bỏ thêm chút muối, chút gừng sẽ tốt hơn và giúp tiếp tục vã mồ hôi. Sau 1 giờ, người bệnh mới có thể đi tắm bằng nước ấm.

Dụng cụ dùng để cạo gió phải được khử trùng, nếu dùng tay thì phải cắt móng tay và rửa tay sạch sẽ. Nên dùng các loại dầu gió dùng cho trẻ em khi cạo gió. (hạn chế dùng dầu dừa hay dầu của người lớn).

Những người quá gầy, trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ có thai, người mắc bệnh tim mạch, da liễu, cao huyết áp, người già đang bị các bệnh về nhiễm hay miễn dịch hoàn toàn tuyệt đối không nên cạo gió mà chỉ nên xoa vai, bấm huyệt.

Bình luận