Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cứu sống người đàn ông bị điện giật hôn mê khi đang rửa máy vặt lông gà

ĐỒNG NAI - Ngày 10/12, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai thông tin về việc cứu sống ngoạn mục ca ngưng tuần hoàn hô hấp cho bệnh nhân bị điện giật hôn mê khi đang rửa máy vặt lông gà.

Bệnh nhân N.B.Q (43 tuổi, ngụ tại Khu phố 2, phường Tân Biên, TP Biên Hoà) được gia đình sơ cứu trước khi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Việt Bắc – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai cho biết, bệnh nhân Q. nhập trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở, đồng tử 2 bên 4 mm, phản xạ ánh sáng âm tính.

Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hồi sinh tim phổi và sốc điện không đồng bộ cho bệnh nhân do bệnh nhân được ghi nhận rung thất trên điện tim.

dien-giat-101224
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai vừa cứu sống ngoạn mục ca ngưng tuần hoàn hô hấp cho bệnh nhân bị điện giật hôn mê khi đang rửa máy vặt lông gà.

Năm phút sau, bệnh nhân có tuần hoàn tự nhiên trở lại và được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực chống độc để điều trị tiếp.

Tại đây, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở máy qua nội khí quản, có cơn gồng cơ toàn thân, đồng tử 2 bên 3 mm, phản xạ ánh sáng yếu. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị ngưng tuần hoàn hô hấp đã hồi sinh do điện giật giờ thứ 1.

Sau khi hội chẩn, bệnh nhân đã được chỉ định áp dụng kỹ thuật kiểm soát thân nhiệt theo mục tiêu (hạ thân nhiệt chỉ huy) để bảo vệ não cho bệnh nhân.

Sau 72 giờ kiểm soát thân nhiệt theo mục tiêu, đến ngày thứ 4 bệnh nhân được ngưng an thần, giãn cơ; bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và được rút nội khí quản. Đến ngày thứ 5 sau ngưng tuần hoàn hô hấp, bệnh nhân ổn, sức khỏe hồi phục rất nhanh không để lại di chứng thần kinh và đã được xuất viện.

Theo bác sĩ Bắc, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn với bất kể loại nhịp nào, có tuần hoàn tự nhiên với còn hôn mê hoặc bệnh nhân ngừng hô hấp tuần hoàn đã có tuần hoàn tự nhiên và điều trị được bệnh nguyên (như chụp và can thiệp mạch vành, lấy huyết khối hoặc tiêu sợi huyết với thuyên tắc phổi, dẫn lưu khí màng phổi…).

Thời gian từ khi tái lập tuần hoàn tự nhiên đến khi tiến hành hạ thân nhiệt ≤ 6 giờ.

Hiện nay kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy mới được thực hiện thường quy tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện tuyến tỉnh.

Tuy nhiên, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai đã triển khai thực hiện thường quy kỹ này và đã cứu sống được một số bệnh nhân bị ngưng tuần hoàn hô hấp.

Bình luận