Các chất này được cho là có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bao gồm nguy cơ ung thư.
Dữ liệu từ Cuộc khảo sát Đo lường Sức khỏe Quốc gia lần đầu tiên do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 27/5 cho thấy hơn 85% số người từ 12 tuổi trở lên có chứa ít nhất ba trong số 11 loại PFAS được kiểm tra.
PFAS là nhóm hơn 4.000 loại hóa chất nhân tạo có khả năng tích tụ lâu dài trong cơ thể và môi trường. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm như bọt chữa cháy, nồi chảo chống dính, và vải chống thấm.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa PFAS và nguy cơ mắc bệnh ung thư, rối loạn nội tiết, ảnh hưởng hệ miễn dịch và khả năng sinh sản.
Trong số các hóa chất được xét nghiệm, PFOS – một chất thường được dùng trong bọt chữa cháy và công nghiệp – được tìm thấy trong máu của 99,1% nam giới và 98,3% nữ giới.
PFOA, một loại PFAS khác từng bị cảnh báo về khả năng gây ung thư, cũng được phát hiện ở hơn 98% nam giới và 94% nữ giới.
Năm 2023, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã chính thức phân loại PFOA là chất gây ung thư cho con người, trong khi PFOS được xếp vào nhóm "có khả năng gây ung thư".
Ngoài ra, axit perfluorohexanesulfonic (PFHxS) cũng hiện diện trong máu của 93,6% nam giới và 82,8% nữ giới. Một số loại PFAS khác xuất hiện ở tỷ lệ thấp hơn, dao động từ 15% đến dưới 10%.
Ông James Eynstone-Hinkins, Trưởng bộ phận thống kê y tế tại ABS, cho biết dữ liệu cho thấy nồng độ PFAS thường cao hơn ở người lớn tuổi và nam giới.
Đây là lần đầu tiên Australia thiết lập được một cơ sở dữ liệu quốc gia về mức độ PFAS trong dân số – một bước quan trọng trong việc theo dõi, phòng ngừa và nghiên cứu ảnh hưởng lâu dài của các hóa chất này đối với sức khỏe cộng đồng.