Đau dạ dày nên ăn gì và kiêng ăn gì để tránh các cơn đau tái phát?

(VOH) - Đau dạ dày là một trong những căn bệnh của thời đại và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy đau dạ dày nên ăn gì và phòng ngừa ra sao, theo dõi bài viết sau.

1. Bệnh đau dạ dày nên ăn gì ?

1.1 Thực phẩm giảm tiết axit dịch vị

Đau dạ dày nên ăn gì là câu hỏi mà nhiều người thường thắc mắc, do đó các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra lời khuyên là nên bổ sung các loại thực phẩm giúp giảm tiết axit dịch vị. Thông thường những loại thức ăn như bắp cải, bí ngô, đậu, hành lá, cà rốt, chất ngọt (đường, bánh quy, mật ong), các loại dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu đậu nành, dầu vừng,…

dau-da-day-nen-an-gi-va-kieng-an-gi-de-tranh-cac-con-dau-tai-phat-voh-1
Người mắc bệnh đau dạ dày nên bổ sung các loại dầu thực vật vào thực đơn hàng ngày (Nguồn:Internet)

1.2 Thực phẩm dễ tiêu hóa

Thực phẩm dễ tiêu hóa cũng là một sự lựa chọn hoàn hảo cho bệnh nhân đau dạ dày. Bạn có thể bổ sung danh sách thực đơn hằng ngày như cháo, cơm nhão, súp, mỳ sợi nhỏ,...cho người bệnh. Những nguồn thực phẩm này đa số đều mềm, dễ tiêu hóa, đồng thời có chất kiềm nên có tác dụng bão hòa axit trong dạ dày rất tốt.

Xem thêm: Muốn chữa ‘dứt điểm’ bệnh về dạ dày, các thầy thuốc Đông y khuyên bạn nên sử dụng loại thảo dược này

1.3 Thực phẩm trung hòa axit dịch vị và giúp làm lành vết loét

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lựa chọn một số thực phẩm cho người bệnh dạ dày như sữa, trứng, thịt nạc, cá, tôm, rau củ non, đặc biệt là họ nhà cải (cải bắp, củ cải, rau cải…), gừng, chuối, dưa hấu, dưa leo, thốt nốt,…rất tốt cho hệ tiêu hóa.

1.4 Nguồn thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị

Những thực phẩm gợi ý sau đây sẽ giúp bạn trả lời thắc mắc đau dạ dày nên ăn gì. Đó là khoai mì, gạo nếp, bột sắn, bánh mì, bánh quy,…đều là loại thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày, thấm dịch vị rất tốt. Ngoài ra, những thức ăn này sẽ giúp bạn giảm ngay cơn đau khi dung nạp vào cơ thể.

2. Bệnh đau dạ dày kiêng gì ?

Song song với việc bổ sung các loại thực phẩm tốt cho dạ dày, bạn cũng cần lưu ý tránh các loại đồ ăn sau đây:

  • Những thực phẩm dễ gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày: Gia vị mạnh (ớt, tiêu, tỏi, dấm…), thức ăn cứng (sụn, gân, rau củ nhiều xơ…), chất kích thích (rượu, cà phê, chè đặc, thuốc lá…);
  • Thực phẩm làm tăng tiết axit trong dạ dày: trái cây chua (cam, chanh…), ổi, dứa, quả cóc, đu đủ xanh, nước ngọt có ga…;
  • Thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng: Dưa, cà muối, hành muối,…

dau-da-day-nen-an-gi-va-kieng-an-gi-de-tranh-cac-con-dau-tai-phat-voh-2
Người đau dạ dày không nên ăn các loại trái cây có vị chua (Nguồn:Internet)

Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả

3. Cách phòng bệnh đau dạ dày

Để phòng bệnh đau dạ dày một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, điều độ.

3.1 Về lối sống

  • Không hút thuốc lá và hạn chế tránh các chất kích thích. Thuốc lá khiến mạch máu trong hệ tiêu hóa bị co lại, ảnh hưởng tới việc cung cấp máu cho tế bào thành dạ dày, từ đó làm giảm sức đề kháng của niêm mạc dạ dày. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc làm tăng nguy cơ viêm, ung thư dạ dày, đặc biệt ung thư phân tâm – phình – vị;
  • Không nên ăn trước khi đi ngủ, nếu đói bụng bạn chỉ nên uống 1 ly sữa ấm vừa có tác dụng xoa dịu, bảo vệ dạ dày vừa giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn;
  • Không nên hoạt động trí óc hay hoạt động thể lực mạnh trong khoảng thời gian 30 phút sau bữa ăn vì lúc này não bộ đang tập trung điều khiển dồn toàn bộ năng lượng cơ thể để thực hiện việc tiêu hóa thức ăn một cách hiệu quả nhất;
  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải tỏa stress, luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ chính là biện pháp hỗ trợ phòng bệnh đau dạ dày nói riêng và các căn bệnh khác nói chung;
  • Chú ý giữ ấm vùng bụng, bởi vùng bụng sau khi bị lạnh sẽ khiến chức năng dạ dày kém đi. 

3.2 Về cách ăn

  • Cần đảm bảo ăn uống vệ sinh, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín uống sôi nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây bệnh viêm dạ dày;
  • Thực hiện thói quen “ăn chậm, nhai kỹ” để giảm bớt gánh nặng hoạt động cho dạ dày;
  • Ăn uống điều độ, đúng giờ, có định lượng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa, có lợi cho tiêu hóa;
  • Không vừa ăn vừa uống, tốt nhất hãy uống 1 cốc nước trước bữa ăn 30 phút để giúp bạn ăn ngon miệng hơn và sau khi ăn chỉ nên uống thêm một vài ngụm nước nhỏ.

Bệnh đau dạ dày tuy phổ biến nhưng lại là căn bệnh có thể phòng ngừa, hãy áp dụng và thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đặc biệt giúp hạn chế các nguy cơ về bệnh về dạ dày.