Chờ...

Viêm dạ dày tá tràng là gì? tìm hiểu nguyên nhân bệnh dễ tái phát

(VOH) - Theo thống kê, viêm dạ dày tá tràng là bệnh đứng đầu trong bệnh đường tiêu hóa và số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng. Vậy viêm dạ dày tá tràng là gì, nguyên nhân và cách chữa như thế nào?

Viêm dạ dày tá tràng là gì?

Viêm dạ dày tá tràng hay viêm dạ dày là tổn thương gây viêm loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương xảy ra khi lớp niêm mạc (màng lót bên trong cùng) của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay thành ruột sẽ bị lộ ra. 

viem-da-day-ta-trang-la-gi-tim-hieu-nguyen-nhan-benh-de-tai-phat-voh-1

Viêm dạ dày tá tràng là bệnh đường tiêu hóa phổ biến (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây viêm dạ dày tá tràng

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, viêm dạ dày tá tràng chủ yếu do vi trùng. Ngoài ra, viêm dạ dày tá tràng còn do nhiều nguyên nhân khác. Cụ thể là:

  • Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori)

Vi khuẩn HP là một trong những tác nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh viêm dạ dày tá tràng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ chui vào trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng và tiết ra các độc tố làm mất chức năng của niêm mạc chống lại axit.

Vi khuẩn HP có thể lây truyền qua đường ăn uống chung, vì vậy, bệnh viêm dạ dày tá tràng chiếm tỉ lệ lớn trong bệnh đường tiêu hóa và số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng. 

  • Cách ăn uống thiếu khoa học

Ăn không đúng cách, ăn không đúng bữa, ăn không nhai kỹ, ăn quá nhanh, các bữa ăn cách nhau quá xa, ăn quá nhiều 1 thức ăn cùng một lúc, ăn quá khuya…là nguyên nhân làm tổn thương niêm mạc dạ dày – tá tràng và gây viêm.

  • Tiêu thụ đồ ăn không có lợi cho dạ dày

Ăn quá nhiều thức ăn cay, chua, vừa ăn nóng vừa uống lạnh ngay,…sẽ làm ảnh hưởng đến sự co thắt của dạ dày, làm tổn thương niêm mạc dạ dày và gây viêm loét.

  • Do thuốc

Sử dụng một số loại thuốc kích thích niêm mạc dạ dày cũng có thể gây viêm dạ dày tá tràng.

  • Căng thẳng, lo âu

Căng thẳng, lo âu, buồn rầu thái quá, mất ngủ,…không chỉ ảnh hưởng đến thần kinh mà còn tác động và ảnh hưởng đến dạ dày. Stress, lo âu cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày tá tràng phổ biến.

  • Rối loạn tự miễn

Các bệnh lý rối loạn tự miễn cũng ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày.

Triệu chứng viêm dạ dày tá tràng

Theo bác sĩ Bay, một số triệu chứng dưới đây có thể giúp bạn nhận biết viêm dạ dày tá tràng:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc đau dữ dội.
  • Đau vùng thượng vị.
  • Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn, táo bón hoặc tiêu chảy,…

Đây là những triệu chứng lâm sàng có thể giúp bạn nhận biết tình trạng viêm dạ dày tá tràng. Để biết chính xác hơn, bạn nên đi thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị đúng cách. 

Cách chữa viêm dạ dày tá tràng theo Đông Tây y kết hợp

Bác sĩ Bay cho biết, viêm dạ dày tá tràng có thể chữa thuần túy bằng phương pháp Đông y. Khi bệnh có biến chứng thì cần phải phối hợp với Tây y để chữa trị.

Chữa viêm dạ dày tá tràng bằng Đông – Tây y kết hợp là sử dụng các phương pháp chẩn đoán của Tây y như nội soi, xét nghiệm để có kết quả chẩn đoán chính xác. Sau khi chẩn đoán, người bệnh có thể sử dụng phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc của Đông y để chữa dứt điểm. 

Lưu ý: Bệnh viêm dạ dày tá tràng rất dễ tái phát khi người bệnh chưa loại bỏ được nguyên nhân dù bệnh đã được chữa khỏi trước đó. Vì vậy, người bệnh cần có lối sống và ăn uống khoa học để ngăn ngừa bệnh tái phát. 

Lời khuyên

Để viêm dạ dày tá tràng khó tái phát thì người bệnh nên:

viem-da-day-ta-trang-la-gi-tim-hieu-nguyen-nhan-benh-de-tai-phat-voh-2

Người bị viêm dạ dày tá tràng nên hạn chế ăn thức ăn cay nóng để phòng ngừa tái phát (Nguồn: Internet)

  • Sử dụng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, uống đúng cách, đúng giờ, đúng liều, không bỏ thuốc giữa chừng khi thấy bệnh đã khỏi.
  • Tái khám sau khi dùng hết liệu trình.
  • Từ bỏ thuốc lá và tránh xa những nơi có khói thuốc lá vì hút và hít khói thuốc lá đều có thể tác động đến dạ dày và khiến bệnh tái phát.
  • Chế độ ăn uống cần cân nhắc kỹ lưỡng, nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn chậm nhai kỹ để dạ dày không phải làm việc quá nhiều.
  • Hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ.
  • Từ bỏ thói quen ăn uống nóng – lạnh cùng lúc vì thói quen này luôn khiến dạ dày bị thử thách lớn.

Trên đây là một số lời khuyên của bác sĩ Bay đối với bệnh nhân bị viêm dạ dày tá tràng. Hy vọng người bệnh tuân thủ để không bị những triệu chứng của viêm dạ dày tá tràng làm phiền và ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Đau dạ dày nên làm gì?: Đau dạ dày rất khó chịu, nhiều người thậm chí phải ‘sống chung’ với nó cả đời vì cơn đau tái phát. Tuy nhiên, nếu thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt thì người bệnh có thể đẩy lùi chứng đau này.
Viêm xung huyết hang vị nên ăn gì?: Chữa viêm xung huyết hang vị ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống cũng vô cùng quan trọng. Vậy viêm xung huyết hang vị nên ăn gì để nhanh chóng đẩy lùi được bệnh?