Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh liên sườn và cách chữa

(VOH) – Đau dây thần kinh liên sườn là hiện tượng thường gặp ở người trưởng thành, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy làm sao nhận biết tình trạng và liệu có cách nào điều trị hay không?

1. Đau dây thần kinh liên sườn là gì?

Đau dây thần kinh liên sườn là một hội chứng bệnh lý phổ biến hiện nay. Tính chất đau là đau liên tục suốt ngày đêm, cơn đau tăng lên khi thay đổi tư thế, hít thở sâu hoặc vận động.

Thuật ngữ "thần kinh liên sườn" là dùng để chỉ các sợi dây thần kinh xuất phát từ đoạn tủy ngực D1 – D12. Rễ thần kinh tủy ngực sau khi qua lỗ ghép chia thành 2 nhánh:

  • Nhánh sau (còn gọi là nhánh lưng) chi phối cho da và cơ lưng.
  • Nhánh trước (còn gọi là nhánh bụng) chi phối cho da, cơ phía trước bụng và ngực, đây chính là dây thần kinh liên sườn.

Sau khi tách khỏi rể chung dây thần kinh liên sườn cùng với mạch máu tạo thành bó mạch - thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi xương sườn. Vì sự liên quan của nó như vậy nên các bệnh lý của tủy sống, cột sống, xương sườn và thành ngực đều có ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh liên sườn. Hơn nữa các dây thần kinh liên sườn cũng là các dây thần kinh nằm ở vị trí nông nên dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh.

2. Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn rất đa dạng, có thể là đau dây thần kinh liên sườn tiên phát (nguyên nhân trực tiếp gây đau) do lạnh hoặc do vận động sai tư thế, quá tầm. Tuy nhiên, một số trường hợp đau dây thần kinh liên sườn lại có liên quan đến vấn đề bệnh lý, được gọi đau dây thần kinh liên sườn thứ phát.

dau-hieu-nhan-biet-dau-day-than-kinh-lien-suon-va-cach-chua-voh

Đau dây thần kinh liên sườn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số nguyên nhân đau dây thần kinh liên sườn hay gặp:

  • Do thoái hóa cột sống
  • Lao cột sống hoặc ung thư cột sống
  • Bệnh lý tủy sống
  • Chấn thương cột sống
  • Do nhiễm khuẩn
  • Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

3. Đau thần kinh liên sườn có biểu hiện thế nào?

Người bệnh có thể nhận thấy tình trạng đau dây thần kinh liên sườn trái hoặc liên sườn phải, đau từ trước ngực (xương ức) lan theo mạn sườn ra phía sau cạnh cột sống. Ngoài ra người bệnh cũng có thể cảm thấy đau và tăng cảm giác ở vùng đau khi ấn hoặc sờ.

Hiện tượng đau dây thần kinh liên sườn cũng có thể xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn (cúm, lao, thấp khớp), các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan), hay tổn thương ở đốt sống lưng (ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy).

Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau vùng ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác thường tăng lên khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế.

Nhiều người bệnh bị đau do zona liên sườn (virus tân công vào dây thần kinh). Biểu hiện ban đầu sẽ là đau, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Cuối cùng là sự xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức.

4. Có thể chữa đau dây thần kinh liên sườn bằng cách nào?

Để điều trị đau dây thần kinh liên sườn, cần phải tìm được nguyên nhân gây đau. Vì thế, trước tiên bác sĩ sẽ xem qua bệnh sử, tiến hành thăm khám và có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm cơ bản: Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, xét nghiệm nước tiểu toàn phần.
  • Xét nghiệm sinh hóa như URE, Creatinin, AST, ALT.
  • Chụp cộng hưởng từ: Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh như các bệnh lý cột sống, đĩa đệm và tủy sống như thoái hóa, lồi và thoát vị đĩa đệm, u tủy sống và các bệnh lý tủy sống, chấn thương cột sống, viêm nhiễm như viêm cột sống, đĩa đệm nhiễm trùng, lao cột sống.
  • Chụp X-quang: Đánh giá hình thái cột sống, đốt sống để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như thoái hóa cột sống, lao cột sống.

dau-hieu-nhan-biet-dau-day-than-kinh-lien-suon-va-cach-chua-1-voh

Một số xét ngiệm sẽ được thực hiện để tìm kiếm nguyên nhân gây đau thần kinh liên sườn (Nguồn: Internet)

4.1 Những phương pháp điều trị đau dây thần kinh liên sườn

Như đã nói, nguyên tắc điều trị cơ bản nhất đối với bệnh đau dây thần kinh liên sườn tốt nhất là phải dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp không xác định được nguyên nhân thì sẽ được điều trị dựa trên triệu chứng.

Các bác sĩ cho biết, nếu đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bạn điều trị bằng các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac.
  • Thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin.
  • Thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm. Thuốc chỉ dùng cho các trường hợp đau nhiều, có cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Bệnh nhân có bệnh nhược cơ không dùng thuốc này.
  • Vitamin nhóm B như B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Tuy nhiên bạn cũng chỉ nên dùng các loại vitamin này theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng.
  • Bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định phong bế cạnh sống.

Song song với việc dùng thuốc, người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo quá trình hồi phục sức khỏe diễn ra tốt nhất.

5. Hạn chế đau dây thần kinh liên sườn bằng cách nào?

Để ngăn ngừa cũng như hạn chế tình trạng đau dây thần kinh liên sườn, bạn có thể áp dụng các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây:

  • Không mang vác, làm việc quá sức, vận động sai tư thế làm ảnh hưởng đến cột sống.
  • Chú ý giữ cơ thể ấm áp trong mùa lạnh như mặc ấm, không ở các nơi có gió lùa.
  • Khi tiếp xúc với các bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm phải có dụng cụ bảo hộ.
  • Nên tiêm phòng lao cho trẻ để khi lớn lên hạn chế cho trẻ mắc bệnh lao – một bệnh có nguy cơ cao gây đau đau dây thần kinh.
  • Nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh là nguyên nhân gây ra bệnh đau dây thần kinh liên sườn.
  • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng các chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, tập thể dục thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh.

Tóm lại, việc chẩn đoán và điều trị đau dây thần kinh liên sườn không quá khó nhưng điều quan trọng là bạn phải tìm ra nguyên nhân gây đau phải cần được khám bệnh tại các cơ sở chuyên khoa để có thể điều trị kịp thời.

Bình luận