Bé L.D.K. (2 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) được đưa đến bệnh viện kiểm tra tình trạng thiếu máu.
"Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Huyết học và truyền máu trung ương kiểm tra tình trạng thiếu máu thì bác sĩ nghi cháu bị nhiễm ký sinh trùng. Cháu được chuyển qua Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu bị nhiễm giun đũa chó mèo", bà Phan Thị Thu (bà của bé K.) cho biết.
Bà Thu cũng cho biết khoảng hai tháng gần đây gia đình có nuôi chó đẻ, bé K. hay chơi với chó con nên có thể bị lây ký sinh trùng.
Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên.
Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở các cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh của người.
Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.
Triệu chứng nhiễm giun đũa chó mèo ở trẻ em có khác hơn so với người lớn. Ngoài các triệu chứng như ngứa, mệt mỏi, đau bụng, ăn uống kém, trẻ có thể xuất hiện tình trạng thâm tím dưới da, xuất huyết dưới da.
Để phòng bệnh, người dân thực hiện tẩy giun định kỳ cho chó, mèo, cần tẩy giun liều đầu tiên ngay khi chó, mèo mới sinh ra 2-3 tuần tuổi, tẩy 3 lần cách nhau mỗi 2 tuần và sau đó nhắc lại 6 tháng một lần. Dùng thuốc tẩy giun dự phòng định kỳ, kể cả chó con và chó cái mang thai để hạn chế lan truyền bệnh.