Chờ...

Đau khuỷu tay – Nguyên nhân và biện pháp giảm đau hiệu quả

(VOH) - Đau khuỷu tay là triệu chứng phổ biến mà nhiều người gặp phải. Hãy tham khảo ngay những thông tin dưới đây để hiểu rõ nguyên nhân cũng như biết cách xử lý khi gặp phải tình trạng này.

Khủy tay là khớp nằm giữa 2 cấu trúc lớn là cánh tay và cẳng tay. Khuỷu tay gồm phần đầu khớp tạo nên bởi xương cánh tay, xương khuỷu tay và xương quay. Phần xương lồi ra ở khuỷu tay là phần đầu tròn của xương cánh tay. Các cơ bắp và gân nối xương cánh tay với phần xương lồi ra này. Chức năng chính của khuỷu tay là gập duỗi và sấp ngửa cẳng tay. Khủy tay là bộ phận thường xuyên chịu đựng các tác động cơ học, tì đè trong các hoạt động của con người nên rất dễ bị tổn thương và tình trạng thường gặp nhất chính là đau khuỷu tay.

1. Đau khuỷu tay là bệnh gì?

Đau khuỷu tay không phải là bệnh lý mà là triệu chứng của những tổn thương hình thành ở khớp khuỷu tay. Đau khuỷu tay có thể xảy ra do tổn thương ở cơ và gân ở vùng khuỷu tay.

Đau khuỷu tay thường xảy ra ở những người chơi tennis, cầu lông, đánh golf, bowling,…hoặc phụ nữ làm công việc nội trợ phải giặt giũ, xách đồ nặng thường xuyên. 

dau-khuyu-tay-nguyen-nhan-va-bien-phap-giam-dau-hieu-qua-voh

Khuỷu tay dễ bị đau khi chơi thể thao (Nguồn: Internet)

Cơ chế gây đau thường là do các nhóm cơ vùng khuỷu tay bị suy yếu, khi vận động quá sức, nơi bám của các cơ chịu lực căng gây ra các chấn thương, lâu ngày gây viêm và xuất hiện tình trạng đau.

Không chỉ có cảm giác đau ở khuỷu tay, người bệnh còn thấy khuỷu tay bị sưng nhẹ, không nóng đỏ. Ban đầu chỉ đau khi thực hiện một số động tác như gấp duỗi khuỷu, sấp, ngửa cẳng tay hoặc xách vật nặng. Khi tổn thương nặng hơn, cơn đau sẽ thường xuyên hơn, kể cả lúc không chơi thể thao hay cầm vật nặng. 

2. Những nguyên nhân gây đau khuỷu tay

Có nhiều nguyên nhân dẫn gây đau khuỷu tay nhưng thường gặp nhất là:

2.1 Do viêm mỏm trên lồi cầu ngoài (còn gọi là hội chứng đau khuỷu tay tennis)

Nguyên nhân của hội chứng này là do các gân cơ bám lồi cầu ngoài có thể bị tổn thương do vận động khuỷu tay quá mức hoặc động tác mạnh lặp đi lặp lại mỗi ngày như cầm vặn ốc, lau chùi cửa, chơi tennis,…gây viêm gân và gây đau.

2.2 Do viêm mỏm trên lồi cầu trong xương cánh tay (còn gọi là hội chứng golf)

Tình trạng này xảy ra chủ yếu do việc vận động quá mức, thường gặp ở những người chơi golf. Sự vận động của cánh tay dưới luôn đòi hỏi việc dùng nhiều sức lực lặp đi lặp lại, nếu không có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến các cơ rơi vào tình trạng làm việc quá sức dẫn đến viêm gân và gây đau khớp khuỷu tay.

Ngoài ra, đau khuỷu tay còn có thể do viêm khớp khuỷu, viêm túi hoạt dịch mỏm khuỷu, các chấn thương ở khuỷu tay (như bong gân, giãn cơ, trật khớp, gãy xương), chèn ép thần kinh trong (chèn ép thần kinh quay, thần kinh trụ tại cánh tay và khuỷu tay),…

3. Bị đau khuỷu tay nên làm gì?

3.1 Những việc nên làm khi bị đau khuỷu tay:

dau-khuyu-tay-nguyen-nhan-va-bien-phap-giam-dau-hieu-qua-voh

Chườm lạnh giúp giảm đau nhanh (Nguồn: Internet)

  • Ngừng các hoạt động thể dục – thể thao.
  • Chườm lạnh tại chỗ khoảng 10 – 15 phút, có thể thực hiện 4 – 5 lần/ngày.
  • Cố định vùng khuỷu tay bằng băng chuyên dụng (thường có bán ở các cửa hàng dụng cụ thể dục - thể thao).
  • Giảm đau, kháng viêm, giãn cơ bằng thuốc uống.
  • Tập các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng khuỷu khi đã bớt đau.
  • Đến gặp bác sĩ cơ xương khớp để thăm khám nếu tình trạng đau kéo dài, không thuyên giảm.

3.2 Những điều không nên làm khi bị đau khuỷu tay:

  • Cố gắng chơi thể thao tiếp, điều này có thể khiến tình trạng tổn thương càng nặng hơn và cơn đau sẽ tăng.
  • Xoa bóp với các dầu nóng, thuốc xoa bóp hoặc đi nắn sửa không đúng sẽ gây viêm mạn tính tại chỗ, điều này làm quá trình chữa trị sau này sẽ khó khăn hơn.

4. Lời khuyên

Bạn nên uống thuốc đặc trị theo toa của bác sĩ (gồm các thuốc giãn cơ, tan máu bầm và kháng viêm). Nếu tổn thương khuỷu tay nặng có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu siêu âm sóng ngắn, chạy điện hỗ trợ tại chỗ viêm.

Để chơi thể thao lại, bạn cần có quá trình tập phục hồi độ dẻo, độ bền và sức mạnh của nhóm cơ duỗi và ngửa cổ tay, bàn tay.