Viêm khớp và những điều bạn nên biết sớm hơn

(VOH) - Người bị bệnh viêm khớp luôn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và vận động hằng ngày. Nếu không chữa trị sớm, viêm khớp có thể gây đau nhức, đôi khi bị tàn phế do biến dạng khớp.

1. Viêm khớp là gì?

Viêm khớp là một tình trạng viêm của khớp và có thể ảnh hưởng lên nhiều khớp. Đó là tình trạng rối loạn tại khớp mà chủ yếu ảnh hưởng đến các sụn, được đặc trưng bởi hiện tượng viêm một hoặc nhiều khớp.

Thuật ngữ “viêm khớp” không chỉ là một bệnh mà có trên 100 loại bệnh viêm khớp khác nhau. Các bệnh xương khớp thường gặp nhất là viêm xương khớp, viêm thấp khớp (còn gọi là viêm khớp dạng thấp), bệnh gout, thoái hóa xương khớp (còn gọi là viêm khớp thoái hóa), viêm khớp nhiễm khuẩn…

viem-khop-va-nhung-dieu-ban-nen-biet-som-hon-voh-1

Viêm khớp khiến người bệnh vận động khó khăn (Nguồn: Internet)

2. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp

Các bệnh về xương khớp thường tiến triển một cách âm thầm và giai đoạn đầu không có biểu hiện gì khác thường. Chỉ đến khi mất một lượng sụn đáng kể, người bệnh mới cảm thấy đau nhức và không cử động được các khớp. Tùy vào vị trí bị viêm khớp mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau, tuy nhiên các bệnh xương khớp thường có chung một số triệu chứng sau đây:

2.1 Đau khớp

Đau khớp là triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp. Cơn đau khớp có thể khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Đa số người bị viêm khớp thấy đau nhức khớp tăng lên khi hoạt động và giảm đau khi nghỉ ngơi. Cơn đau có thể trầm trọng hơn khi thời tiết chuyển lạnh.

2.2 Sưng khớp

Sưng khớp có thể do viêm khớp hoặc tổn thương khớp. Nếu trước đó bạn không có một chấn thương khớp nào thì nguyên nhân gây sưng khớp có thể do viêm khớp.

Một số xét nghiệm có thể được thực hiện như kiểm tra máu, chọc hút dịch khớp. Các xét nghiệm phân tích dịch khớp có thể giúp xác định xem có viêm khớp hay không hay do các nguyên nhân khác gây sưng khớp như nhiễm khuẩn hoặc bệnh gout.

2.3 Cứng khớp

Các bệnh viêm xương khớp hầu hết đều khiến bệnh nhân bị cứng khớp. Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau thời gian dài ngồi cố định ở một vị trí. Khi bạn di chuyển và hoạt động, cứng khớp thuyên giảm một chút.

2.4 Biến dạng khớp

Khi sụn khớp bị mòn bởi viêm khớp, khớp có thể xuất hiện sự biến dạng. Biến dạng khớp thường được nhìn thấy ở các khớp ngón tay, ngón chân, khớp gối.

2.5 Đau khi ấn khớp

Các khớp bị viêm thường rất nhạy cảm. Nếu một khớp bị viêm, khi ấn xung quanh khớp đó bạn sẽ có cảm giác đau.

2.6 Nóng và đỏ khớp

Viêm khớp có thể dẫn đến các triệu chứng nóng và đỏ khớp. Khi thấy triệu chứng này bạn nên đến gặp bác sĩ để khám vì nó có thể gợi ý tới một bệnh nhiễm trùng khớp tiềm ẩn.

3. Nguyên nhân gây viêm khớp

Nguyên nhân của mỗi loại viêm khớp có thể khác nhau nhưng nó vẫn nằm trong các nhóm nguyên nhân gây viêm khớp phổ biến sau:

3.1 Tuổi tác

Bệnh xương khớp có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi bị viêm khớp thường cao hơn so với các lứa tuổi khác. Nguyên nhân là do khi tuổi càng cao, các tế bào xương trở nên lão hóa, khớp bị khô do không còn tiết ra nhiều dịch khớp.

3.2 Chấn thương

Chơi thể thao, vận động không phù hợp với cơ thể hoặc tai nạn đều có thể ảnh hưởng đến xương khớp và làm tăng nguy cơ bị viêm.

3.3 Yếu tố di truyền

Nếu gia đình có người thân bị các bệnh về viêm xương khớp, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

3.4 Thừa cân, béo phì

Cân nặng quá mức sẽ làm tăng áp lực cơ thể lên các khớp, đặc biệt là khớp đầu gối, khớp hông và cột sống. Chính vì thế, người béo phì có nguy cơ bị viêm khớp cao hơn những người bình thường.

3.5 Yếu tố nghề nghiệp

Làm việc với các động tác hoặc tư thế lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể gây các dạng viêm khớp như: viêm khớp ngón tay, viêm khớp ngón chân, viêm khớp bàn tay, cổ tay, khớp vai,…

4. Bệnh viêm khớp nguy hiểm như thế nào?

Viêm khớp thường gây đau nhức và làm giảm khả năng vận động cũng như làm việc của người bệnh. Không dừng lại ở đó, bệnh viêm khớp nếu không điều trị kịp thời sẽ có khả năng chuyển sang giai đoạn mãn tính. Khi đó, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng như:

  • Cơ bắp yếu dần và có khả năng bị teo cơ.
  • Khi sụn khớp bị phá hủy sẽ gây dính khớp, biến dạng khớp dẫn đến tàn phế.
  • Tổn thương dây chằng xung quanh khớp, chèn ép dây thần kinh.
  • Các biến chứng khác: gãy xương, chảy máu hoặc nhiễm trùng trong khớp,…

Chính vì thế, ngay khi có những triệu chứng viêm khớp, điển hình là đau khớp thì bạn nên đến gặp bác sĩ cơ xương khớp để thăm khám, nhằm phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời.

5. Những phương pháp điều trị bệnh viêm khớp

viem-khop-va-nhung-dieu-ban-nen-biet-som-hon-voh-2

Nếu phát hiện viêm khớp sớm có thể điều trị bằng thuốc (Nguồn: Internet)

Có nhiều loại bệnh viêm khớp khác nhau và mỗi loại đều đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ có thể kê đơn khi cần thiết, với các loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, chúng có thể giảm đau nhưng không cải thiện tình trạng viêm.
  • NSAID như ibuprofen.
  • Corticoid.

Đối với những trường hợp viêm khớp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật tạo hình khớp để thay thế khớp của bạn với một khớp tương ứng khác.
  • Phẫu thuật làm cứng khớp: đầu xương của bạn sẽ bị khóa lại với nhau cho đến khi chúng được chữa lành và trở thành một.
  • Tạo hình xương: xương sẽ được phẫu thuật tái tạo theo chuẩn.

Để chữa viêm khớp hiệu quả, bạn cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia về phương pháp vật lý trị liệu (xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,…) nó là liệu pháp hỗ trợ điều trị viêm khớp khá hiệu quả.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hợp lý. Cá và hải sản nên tiêu thụ ít nhất một vài lần mỗi tuần. Gia cầm, trứng, pho mát và sữa chua dùng vừa phải. Tránh dùng kẹo và các loại thịt đỏ. Canxi và vitamin D là những chất dinh dưỡng cần thiết cho những người bị viêm khớp. Canxi giúp tái tạo xương, trong khi vitamin D hấp thụ canxi.