Bác sĩ tâm lý học Sonja Lyubomirsky ở trường đại học California là một trong những nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về hạnh phúc.
Một trong những khám phá chính của bà là hạnh phúc có một ‘điểm khởi đầu’. Mỗi khi gặp chuyện thật buồn hay thật vui trong cuộc sống, ví dụ như mua nhà mới hay bị mất việc chẳng hạn, chúng ta đều quay trở về với ‘điểm khởi đầu’ đó.
Vậy nên tiến sĩ Lyubomirsky có kết luận là chúng ta có thể làm cho bản thân ‘hạnh phúc liên tục’. Bà và các nhà nghiên cứu khác chỉ ra rằng điểm khởi đầu về di truyền chỉ quyết định 50% hạnh phúc, hoàn cảnh cuộc sống ảnh hưởng 10%, và phần lớn 40% là do bản thân chúng ta. Có rất nhiều thứ ta có thể làm cho bản thân như thói quen tốt, thái độ và cách nhìn cuộc sống.
“Hạnh phúc là do bản thân quyết định.” -Aristotle
Ngay cả khi chúng ta đạt được điều gì tốt đẹp trong cuộc sống, cảm giác đó cũng không kéo dài quá lâu, vậy ta phải làm sao để hạnh phúc đến và ở lại?
Có những thói quen mà nếu bạn chịu từ bỏ sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn đấy.
1. Tự cô lập bản thân
Ai cũng có những ngày muốn ‘lánh đời’ và chỉ muốn trùm chăn ở nhà cho xong. Thế nhưng thực tế là giao tiếp xã hội, mặc dù bạn không muốn, cũng góp phần làm cho tinh thần bạn khá hơn. Nên nhớ là càng ‘lánh đời’, càng cô lập bản thân, bạn sẽ càng trở nên ù lì và bất hạnh hơn. Hãy trang bị cho mình một tinh thần tốt hơn, kết bạn và giao lưu nhiều hơn. Bạn sẽ cảm thấy khác biệt ngay.
2. Đổ lỗi
Khi đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác làm bạn bất hạnh, bạn đã vô tình công nhận rằng mình không có quyền kiểm soát đối với chính bản thân. Hạnh phúc là biết rằng mình là chủ, mình là người đem lại hạnh phúc và mình không bị ai chi phối.
3. Lấn át
Đối nghịch lại với thói quen xấu trên đó là những người ôm đồm quá mức và không chỉ bản thân mà họ còn muốn kiểm soát tất thảy mọi thứ xung quanh. Sớm muộn gì bạn cũng nhận ra rằng bạn chẳng phải là siêu nhân và không thể ép mọi thứ chiều theo ý mình.
4. Chỉ trích
Trách móc, chê bai người khác có làm bạn hạnh phúc hơn không? Có thể chứ, nhưng mà chỉ là giây phút đó thôi, còn sau đó chỉ là cảm giác tội lỗi và xấu xa. Thực tế là nhiều người làm vậy để cảm thấy tốt hơn về bản thân, nhưng mà đó chỉ là ngụy biện và phản tác dụng thôi.
5. Than thở
Nếu cứ nghĩ tiêu cực về sự việc xung quanh và không nhìn thấy được những điểm tích cực, cuộc sống của bạn chẳng phải là sẽ rơi vào vòng xoáy xám xịt sao? Bạn có thể suy nghĩ về những sai lầm và bất công trong cuộc sống, nhưng đừng lấy chúng làm cách sống.
6. Cố gây ấn tượng
Người ta khen giày bạn đẹp, tóc bạn xinh nhưng có thật sự là người ta thích bạn không? Một trong những nguồn gốc khiến người ta bất hạnh đó là lúc nào cũng chạy theo làm hài lòng người khác và quên đi bản thân. Thực tế cho thấy nhiều người chỉ vì theo đuổi những nụ cười viển vông của thiên hạ mà đánh mất những thứ quan trọng hơn nhiều trong cuộc sống như gia đình và bạn bè.
7. Bạn bè xấu
Xấu ở đây là tiêu cực. Bạn trang bị một tâm lý tích cực cho mình còn khó, nếu cứ giao du với những người tiêu cực, nhìn đời tối đen thì bạn cũng không thấy được màu hồng đâu.
Bạn phải tự đặt ra ranh giới, đâu là tình bạn khi khó khăn lắng nghe tâm sự của bạn bè, và đâu là những người suốt ngày chỉ ca thán, không tự mình giải quyết vấn đề.
Một cách hay khi gặp những người như vậy là hỏi ngay vậy họ định giải quyết như thế nào hay là chỉ ngồi than vãn.
Nên nhớ, cuộc đời ngắn lắm, không đủ dài để suốt ngày ngồi nghe về cuộc đời người khác đâu.
8. So sánh đời mình với người đời trên mạng xã hội
Hiện giờ Facebook và Instagram quá ảo đến nỗi ai cũng lung linh, ai cũng như tài tử điện ảnh, thành công và xinh đẹp. Đừng để những thứ phù phiếm đó làm bạn mất tự tin vào chính mình.
Đã có nhiều cuộc khảo sát cho thấy tránh xa mạng xã hội sẽ làm người ta hài lòng hơn với bản thân, và nhất là thực hiện những công việc hàng ngày thành công hơn tới 55%!
9. Sợ hãi
Sợ hãi chẳng qua chỉ là trí tưởng tượng của bạn về những thứ chưa xảy ra. Nguy hiểm là có thật. Nhưng sợ hãi là do bản thân ta. Khi đã qua chuyện, có phải điều làm ta day dứt nhất không phải là lỗi lầm mà là hối tiếc những gì ta chưa làm?
Đừng sợ thử thách. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là cho phép bản thân chết dần trong một cơ thể đang sống.
Kết luận lại là có những thứ ta không thể kiểm soát được như di truyền hay một số hoàn cảnh, nhưng ta hoàn toàn có thể dẹp bớt những thói quen xấu để hoàn thiện bản thân và trở nên hạnh phúc.