Dịch sởi tăng mạnh tại khu vực phía Nam với 19.000 ca mắc

VOH - Viện Pasteur thống kê số ca sởi tại các tỉnh, thành phía Nam đang tăng rất nhanh, ghi nhận 19.000 ca bệnh sởi, tăng 56,5 lần so với năm 2023.

Ngày 4/12, Viện Pasteur TPHCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh thành về tình hình bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam.

ThS-BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM thông tin tính đến ngày 2/12, số ca mắc sởi ở khu vực phía Nam tăng 56,5 lần so với cùng kỳ năm 2023, với 19.042 ca sởi, 7 ca tử vong. Đối tượng mắc sởi nhiều nhất là nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi, chiếm khoảng 60% tổng số ca bệnh.

ttxvn-benh-soi-2-5130
BBác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi - Ảnh: TTXVN

Dịch sởi tại các tỉnh, thành phía Nam tăng nhanh với 46 ổ dịch đang hoạt động. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương là 2 địa phương có số ca mắc sởi tăng nhanh nhất, Cà Mau và TPHCM tăng nhẹ.

Các địa phương này đều đã hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ với tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên, cách đây 4 tuần tỉ lệ tiêm không còn gia tăng do đã đạt đỉnh.

Hiện số ca sởi tại khu vực phía Nam không xét nghiệm 100%, chỉ lấy mẫu đại diện, vào thời điểm số ca tăng mạnh tỉ lệ xét nghiệm dương tính trên 80%.

Đại diện các tỉnh thành phía Nam nêu khó khăn trong phòng chống dịch sởi như: do thực trạng biến động dân cư phức tạp, việc rà soát trẻ đang sinh sống trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ trẻ em mắc sởi, hiện nhiều người lớn cũng đã mắc sởi và nhập viện khiến cho diễn biến của dịch sởi thêm phức tạp, khó lường.

Ngoài ra còn có nguyên do trường học không lập danh sách trẻ đầy đủ, nhân sự trạm y tế không đủ để rà soát danh sách, nhiều phụ huynh không cho con tiêm vaccine vì sợ tác dụng phụ...

Viện Pasteur TPHCM kiến nghị một số giải pháp để kiểm soát dịch sởi như địa phương cần lập danh sách các trẻ chưa tiêm đầy đủ, danh sách theo từng lứa tuổi, đối chiếu trên phần mềm tiêm chủng, danh sách trẻ cộng đồng chưa tiêm…

Các bệnh viện tuyến tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, giường bệnh, nhân lực… đủ năng lực điều trị sởi, kể cả ca nặng và biến chứng.

Song song đó cần thực hiện tốt việc cách ly điều trị sởi, tăng cường điều trị ngoại trú, duy trì hội chẩn với tuyến trên, hạn chế chuyển tuyến để vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên vừa hạn chế nguy cơ dịch lây lan rộng.

Bình luận