Điều trị đúng góp phần quan trọng trong kiểm soát, phòng chống dịch

(VOH) - Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh có chiều hướng gia tăng trở lại với tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nặng khá cao, nhất là lượng bệnh nặng nằm tầng 3.

Về mặt điều trị, Thành phố đặt ra chiến lược như thế nào và bản thân người dân cần thực hiện đúng, tuân thủ điều trị nếu không may mắc bệnh ra sao trong bối cảnh hiện nay? VOH phỏng vấn Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

VOH: Thưa ông, Thành phố sẽ cho F0 điều trị tại nhà sử dụng thuốc Favipiravir, bác sĩ cho biết tác dụng của thuốc này trong điều trị Covid-19 và lưu ý điều kiện để sử dụng thuốc này?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Hiện nay có một số loại thuốc kháng vi rút được Bộ Y tế cho phép sử dụng điều trị những trường hợp nhiễm Sars-Cov-2 trong đó có Favipiravir, Monupiravir. Đây là những nhóm thuốc cần được sử dụng trong giai đoạn sớm ngay khi vừa có kết quả xét nghiệm dương tính.

Thuốc được ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân có triệu chứng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao ví dụ như người trên 65 tuổi, người có nhiều bệnh nền. Việc sử dụng sớm các loại thuốc kháng vi rút hy vọng có thể ngăn chặn sự phát triển của vi rút trong cơ thể người bệnh, từ đó giúp ngăn bệnh chuyển nặng và ngăn chặn tử vong.

Điều trị đúng góp phần quan trọng trong kiểm soát, phòng chống dịch 1
Khu hồi sức Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM

* VOH: Thưa ông, hiện nay có thông tin thực tế khi phát hiện dương tính, một số trường hợp F0 tự điều trị tại nhà. Các sĩ có thể khuyến cáo gì?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu: Hiện nay có nhiều toa thuốc trôi nổi được lan truyền trên mạng xã hội, được những F0 truyền cho nhau sử dụng mà không tham khảo ý kiến chuyên môn của ngành y tế.

Về nguyên tắc điều trị, một toa thuốc chỉ đúng với một trường hợp bệnh nhân cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể và trong thời điểm mắc bệnh cụ thể.

Không thể nào sử dụng đại trà một toa thuốc dù toa thuốc đó của bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid nặng của một bệnh viện vì mỗi giai đoạn, cơ địa bệnh, có thuốc sử dụng khác nhau. Hiện nay tôi thấy có những toa thuốc có sử dụng kháng sinh điều này chắc chắn không đúng rồi vì đây là bệnh nhiễm vi rút, kháng sinh không hề có tác dụng. Kháng sinh chỉ điều trị khi nhiễm vi khuẩn.

Sử dụng kháng sinh không có hiệu quả trên bệnh nhiễm vi rút là gây hại cho người sử dụng vì tất cả kháng sinh đều có thể có phản ứng dị ứng như ngứa, rối loạn tiêu hóa mà nguy hại cao hơn là sử dụng kháng sinh không đúng dẫn đến đề kháng kháng sinh.

Việc sử dụng toa thuốc có kháng đông, kháng viêm từ đầu cũng không đúng vì trong giai đoạn 5 đến 7 ngày đầu là giai đoạn cấp tính của nhiễm vi rút. Khi vi rút tăng sinh phát triển trong cơ thể thì cơ thể sẽ tạo ra kháng thể, tế bào miễn dịch sẽ ngăn chặn và tiêu diệt vi rút.

Nếu sử dụng thuốc kháng viêm ngay từ đầu vô tình làm ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, làm tăng sự phát triển của vi rút. Thậm chí chúng ta đang sử dụng thuốc kháng vi rút mà uống chung với corticoid thì chúng ta đã làm mất tác dụng của thuốc kháng vi rút do corticoid ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Thuốc kháng đông cũng vậy. Trong tuần lễ đầu tiên cũng không nên sử dụng vì giai đoạn này không có liên quan đến rối loạn đông máu. Nói chung, việc uống kháng viêm và kháng đông ngay từ khi mới bị bệnh là vấn đề không đúng và nguy cơ dẫn đến tác dụng phụ như xuất huyết nặng nề trên nền người bệnh có bệnh sử viêm loét dạ dày tá tràng.

Thuốc kháng viêm và kháng đông chỉ sử dụng khi có tổn thương hô hấp, khi bệnh nhân thở nhanh, SPO2 giảm. Những triệu chứng này sẽ xuất hiện vào tuần thứ hai sau khi nhiễm bệnh. Những loại thuốc này phải có hướng dẫn sử dụng của nhân viên y tế vì nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra nếu không được theo dõi đánh giá tình hình.

* VOH: Thưa ông, việc F0 sau khi test nhanh dương tính phải liên hệ báo ngay y tế địa phương là vì sao, bác sĩ có thể giải thích rõ hơn?

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu : Khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, các hoạt động trở lại như bình thường, điều kiện tiếp xúc người với người tăng lên thì nguy cơ nhiễm bệnh cũng tăng theo. Do vậy, mọi người cần tuân thủ quy định 5K bảo đảm hạn chế việc lây lan. Mỗi người phải có ý thức trách nhiệm đừng để dịch bệnh lây lan rộng trong xã hội.

Đa phần chúng ta đều được tiêm 2 mũi vắc xin nhưng dù tiêm 2 mũi nhưng vẫn có thể nhiễm bệnh. Khi nhiễm Covid, sau khi tiêm đủ mũi, thông thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ có một tỷ lệ nhỏ diễn tiến nặng và tử vong. Nhóm này thường tập trung vào người cao tuổi có bệnh nền.

Do vậy mọi người cần ý thức cao hơn về trách nhiệm bản thân với gia đình, xã hội. Khi nhiễm bệnh cần tuân thủ cách ly, hạn chế tiếp xúc người khác, đừng để lây nhiễm cho những người xung quanh đặc biệt nhất là chúng ta cần tuân thủ hạn chế lây nhiễm cho người thân cao tuổi có bệnh nền, có những người bệnh lâu năm nằm một chỗ. Đây là nhóm nguy cơ cao cần được bảo vệ. Nhóm người này khi nhiễm Sars-Cov-2 sẽ rất nặng và tử vong.

VOH : Cảm ơn ông !