Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Điều trị thành công cho bé trai 20 tháng tuổi bị vòng mạch chèn ép khí phế quản

VOH – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố điều trị thành công bé trai 20 tháng tuổi đến từ Long Xuyên, Long An, bị tình trạng khó thở do vòng mạch chèn ép khí phế quản.

Bệnh nhi, bé L.T.H.A. (20 tháng tuổi), nhập viện trong tình trạng khò khè, khó thở kéo dài. Theo lời kể của gia đình, trong suốt 3 tháng qua, bé đã nhiều lần phải nhập viện địa phương vì các triệu chứng tương tự. Tại đó, bé được chẩn đoán mắc hen phế quản trung bình – nặng và được điều trị bằng phác đồ tiêu chuẩn gồm thuốc giãn phế quản khí dung, corticoid dạng hít, montelukast uống và kháng viêm.

Tuy nhiên, lần này tình trạng của bé nặng hơn, kèm theo sốt nhẹ, ho, sổ mũi và nôn ói. Sau khi điều trị ban đầu tại bệnh viện tư nhưng không hiệu quả, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với chẩn đoán cơn hen phế quản nặng.

voh-thumb-19
Kết quả CT - scan ngực cho thấy động mạch phổi trái quấn hẹp khí quản gốc, mặt cắt dọc đứng thấy hẹp khí quản gốc (carina). Ảnh: BVCC.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ tiếp tục điều trị cắt cơn hen cho bé. Mặc dù tình trạng của bệnh nhi có cải thiện, nhưng bé vẫn khò khè kéo dài bất thường, buộc các bác sĩ phải hội chẩn và chỉ định chụp CT scan ngực có cản quang.

Kết quả CT scan đã phát hiện nguyên nhân thực sự: động mạch phổi trái vòng qua phải, ôm lấy khí quản tại vị trí carina (chỗ chia đôi phế quản), gây chèn ép đường thở nghiêm trọng.

Ngay khi xác định được nguyên nhân, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại lồng ngực đã tiến hành ca phẫu thuật phức tạp để giải phóng khí quản. Động mạch phổi trái được đưa về vị trí bình thường, và bác sĩ thực hiện khâu treo carina cùng phế quản gốc trái, nhằm ngăn mạch máu tiếp tục chèn ép đường thở.

Theo BS.CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đây là một ca bệnh hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Sau gần hai tuần điều trị hậu phẫu, tình trạng bệnh nhi cải thiện rõ rệt. Bé đã được cai máy thở, chuyển sang thở khí trời và không còn khò khè. Hiện tại, bé hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh và sẵn sàng xuất viện.

BS Nguyễn Minh Tiến chia sẻ: “Trường hợp này cho thấy tầm quan trọng của việc chẩn đoán chính xác trong các ca bệnh kéo dài mà điều trị thông thường không hiệu quả. Đối với trẻ nhỏ có biểu hiện khò khè mãn tính, ngoài hen phế quản, cần xem xét các nguyên nhân hiếm gặp khác như vòng mạch chèn ép khí phế quản, đặc biệt khi trẻ không đáp ứng tốt với phác đồ điều trị hen.”

Phụ huynh cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường ở trẻ như khò khè kéo dài, khó thở tái diễn hoặc không đáp ứng điều trị, và đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám kỹ lưỡng. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp cứu sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ.

Bình luận