Được phát triển bởi nhóm các chuyên gia từ khắp nơi thế giới, thuốc RI-AG03 tấn công vào hai “điểm nóng” của protein làm tình trạng mất trí nhớ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước đây, các loại thuốc nhắm vào protein này đã được phát triển, nhưng chúng thường chỉ tác động vào một trong hai khu vực, thay vì cả hai.
Việc phát triển thuốc vẫn đang ở giai đoạn đầu, mới chỉ được thử nghiệm trên tế bào người trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, những kết quả ban đầu rất khả quan.
Thuốc RI-AG03 nhắm đến protein tau, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tế bào não. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh Alzheimer, protein tau kết tụ lại thành các mảng bám, làm thiếu hụt dưỡng chất cho tế bào não và làm chậm quá trình truyền tín hiệu.
Những mảng này cuối cùng giết chết tế bào thần kinh, và khi số lượng tế bào chết tăng lên, khả năng ghi nhớ và tư duy càng suy giảm. Đây chính là lúc RI-AG03 phát huy tác dụng.
Giáo sư Amritpal Mudher, chuyên gia thần kinh học tại Đại học Southampton, giải thích rằng, loại thuốc này tấn công vào hai khu vực của protein tau, nơi bắt đầu hình thành các mảng bám.
Thuốc này hoạt động theo cơ chế khác so với các loại thuốc nổi tiếng gần đây như lecanemab và donanemab, vốn sử dụng hệ miễn dịch để loại bỏ sự tích tụ của một loại protein gây hại khác liên quan đến bệnh Alzheimer là amyloid.
Tiến sĩ Anthony Aggidis, cũng từ Đại học Southampton, cho biết, phát hiện này có thể mang lại hy vọng cho hàng triệu người đang mắc bệnh Alzheimer.
Ông Aggidis cho biết, bằng cách nhắm vào cả hai khu vực quan trọng trên protein tau, phương pháp tiếp cận độc đáo này có thể giúp giảm bớt tác động của chứng sa sút trí tuệ đối với xã hội, cung cấp một lựa chọn điều trị mới rất cần thiết."
Kết quả thí nghiệm với loại thuốc này đã được công bố trên Tạp chí Bệnh Alzheimer & Chứng mất trí nhớ (A&D): Tạp chí của Hiệp hội Alzheimer.
Các thí nghiệm ban đầu đã tiêm thuốc RI-AG03 cho ruồi giấm có protein tau độc hại bị vón cục.
Các nhà nghiên cứu cho biết, loại thuốc này không chỉ ức chế sự thoái hóa của tế bào não mà còn kéo dài tuổi thọ của ruồi thêm hai tuần so với những con không được tiêm.
Theo Giáo sư Mudher: "Liều lượng càng cao, cải thiện về tuổi thọ của ruồi giấm càng lớn."
Nhóm cũng đã thử nghiệm trên tế bào người và thấy bằng chứng giảm sự vón cục của protein tau, đồng thời dự kiến tiếp tục thử nghiệm trên loài gặm nhấm và triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người nếu thành công.