Đừng phớt lờ khi bạn bị đau dạ dày!

(VOH) - Hiện nay, tỷ lệ đau dạ dày tại Việt Nam đang tăng lên một cách báo động.

Theo thống kê, có tới 70% dân số Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, nhất là những người trẻ.

Đau dạ dày là tình trạng dạ dày bị viêm loét, gặp phải những tổn thương trong quá trình tiêu hóa. Những người đau dạ dày sẽ phải trải qua cơn đau gây nóng rát, buồn nôn khi để bụng đói hay ăn uống qua nhiều, ngoài ra có thể là do suy nghĩ quá căng thẳng dẫn đến tình trạng trên. Lúc này hệ tiêu hóa bị mất cân bằng nên quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng.

Theo thống kê, nguyên nhân chính gây đau dạ dày chủ yếu hiện nay bao gồm: 

1. Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)

Đừng phớt lờ khi bạn bị đau dạ dày! 1
Hình ảnh mô phỏng vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)

Đây là loại vi khuẩn xâm nhập vào bên trong dạ dày thông qua đường ăn uống. Sống và phát triển ở lớp niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn này tiết ra loại độc tố làm mất khả năng chống lại acid của niêm mạc. Khi vi khuẩn HP phát triển mạnh sẽ làm cho dạ dày bị tổn thương, suy giảm các chức năng. Gây ra các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu dạ dày, nặng hơn là ung thư dạ dày.

2. Ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học

- Ăn trái bữa, ăn không đúng điều độ.

- Để bụng quá đói hoặc quá no.

- Bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng.

- Sử dụng chất kích thích, rượu bia.

- Thường xuyên ăn những thực phẩm mặn, chua cay,…

- Ăn quá khuya và đi ngủ ngay.

- Giảm cân theo chế độ khắc nghiệt, phản khoa học.

- Nhai và nuốt quá nhanh sẽ khiến cho hoạt động co bóp ở dạ dày diễn ra nhanh.

Ăn uống là hoạt động liên quan mật thiết đến hoạt động tiêu hóa. Những thói quen, sinh hoạt thiếu khoa học trên sẽ làm ảnh hưởng đến dạ dày. Dịch vị dạ dày sẽ tăng tiết, làm cho lớp bảo vệ của niêm mạc bị bào mòn dần. Ăn uống là hoạt động liên quan mật thiết đến hoạt động tiêu hóa.

3. Tác dụng phụ của thuốc

Những loại thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ức chế lên các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến cho dạ dày bị đau và xuất hiện hiện tượng viêm loét. Khi trong lúc bụng đói mà uống thuốc thì thuốc sẽ phát sinh tác dụng phụ cao hơn. Cho nên trước khi uống thuốc, các bạn hãy ăn nhẹ đừng để bụng đói.

4. Căng thẳng

Khi suy nghĩ căng thẳng, cảm giác buồn bã lo lắng, tức giận,… dạ dày sẽ tiết ra nhiều dịch vị hơn và sẽ làm tổn thương đến niêm mạc của dạ dày.

5. Nguyên nhân khác

Do các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản,… là những bệnh về đường tiêu hóa gây nên việc đau dạ dày.

Tình trạng đau dạ dày ở người trẻ hiện nay

Với nhịp sống tất bật và bận rộn của người trẻ hiện nay, rất nhiều bạn trẻ cho rằng việc ăn uống chỉ là nhu cầu thứ yếu trong cuộc sống. Với quan điểm này thì việc ăn không đúng bữa hoặc bỏ bữa là một trong những nguyên do gây ra bệnh lý đau viêm loét dạ dày ở người trẻ. Với khởi đầu chỉ là những cơn đau nhẹ, cồn cào ruột cộng với sức khoẻ của tuổi trẻ thì người bệnh dễ dàng lướt qua. Nhưng càng về lâu thì những cơn đau ngày càng xuất hiện với tần suất liên tục hơn và mức độ cũng tăng dần. Những cơn đau kéo dài kèm theo đó là một vài triệu chứng liên đới như đau nhức đầu, tay chân run rẩy, hoa mắt chóng mặt.

Việc không chăm sóc cho cơ thể cũng như dạ dày, nặng hơn sẽ dẫn đến ung thư dạ dày. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn: “Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày phát triển bất thường đột biến, mất kiểm soát và xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Khi bệnh ung thư dạ dày tiến triển nặng, có thể gây tử vong. Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ác tính phổ biến, dễ di căn và có tỷ lệ tử vong cao”.

Bác sĩ Sơn cho biết thêm: “Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Nếu khối u được phát hiện từ giai đoạn rất sớm khi mà khối u còn khu trú tại niêm mạc dạ dày, các bác sĩ có thể tiến hành cắt hớt tổn thương qua nội soi dạ dày mà không cần phải mổ cắt dạ dày”.

Cách chăm sóc và phòng ngừa đau dạ dày: 

- Tập thói quen ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, hạn chế các món ăn sống, chua cay, thức ăn được nấu nướng trong điều kiện vệ sinh không tốt.

- Vận động nhẹ, tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

- Hãy nâng cao lối sống lành mạnh, duy trì sức khỏe, bổ sung các thực phẩm đủ chất dinh dưỡng.

- Cân bằng chế độ sinh hoạt có khoa học, điều chỉnh chế độ làm việc hợp lí, dành thời gian để nghỉ ngơi để tránh gây ra nhiều áp lực, suy nghĩ.

-  Không nên chủ quan khi cơn đau dạ dày thường xuyên xảy ra. Nên gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị đúng và kịp thời nhất.