Đó là thông tin được PGS-TS Nguyễn Thị Bay, Trưởng bộ môn Bệnh học – Khoa Y học cổ truyền – ĐH Y Dược TPHCM cho biết.
Lợi ích không ngờ từ ánh nắng
Tùy vào thời điểm, ánh sáng mặt trời có nhiệt độ, sức nóng sẽ cho lợi ích tương ứng. Tuy nhiên, khoảng thời gian phù hợp để phơi nắng hay tắm nắng là khoảng 8 - 9 giờ sáng. Đây là lúc ánh nắng tốt nhất và không khí trong lành.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp đánh thức đồng hồ sinh học trong cơ thể, các tuyến nội tiết sẽ được điều chỉnh cân bằng, giúp chúng ta có được giấc ngủ dễ dàng hơn.
Thường xuyên tập thể dục, thể thao dưới ánh nắng sẽ giúp cơ thể tạo ra nhiều hoocmon hạnh phúc. Ảnh minh họa: internet
Đặc biệt, ánh nắng còn giúp cải thiện tâm trạng. Khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc ánh nắng sẽ xuyên qua da, kích thích cơ thể sản xuất ra beta-endorphines - hoocmon giúp cải thiện tâm trạng, tạo ra cảm giác sảng khoái, hạnh phúc. Những người ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ bị trầm cảm, các bệnh lý về rối loạn lo âu hay tâm thần.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bay nhấn mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao dưới ánh nắng sẽ giúp tạo ra nhiều hoocmon hạnh phúc.
Đồng thời khi da tiếp xúc với ánh nắng sẽ kích thích tổng hợp vitamin D, từ đó, giúp tăng tổng hợp và hấp thu canxi vào xương.
Trong ánh nắng có chứa các tia bức xạ, tia cực tím, ánh sáng tử ngoại, hồng ngoại và những tia này còn được ngành y tận dụng ở mức cho phép để chữa một số bệnh.
Ngoài ra, ánh nắng còn giúp điều trị các bệnh lý ngoài da như vảy nến, mụn trứng cá. Khi bị vảy nến, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giúp tế bào hạn chế tăng tiết. Còn với những người bị mụn trứng cá, tiếp xúc với ánh nắng sẽ làm giảm tăng tiết bã nhầy – nguyên nhân gây ra mụn. Đồng thời, tia hồng ngoại giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại trên da.
“Thường xuyên phơi nắng hoặc tiếp xúc với ánh nắng thì hệ thống miễn dịch sẽ tự động tăng lên. Khi đó, chúng ta sẽ ít bị cảm cúm, nếu mắc bệnh thì diễn tiến cũng sẽ nhẹ nhàng hơn những người không tiếp xúc”, bác sĩ Bay thông tin thêm.
Một số nghiên cứu cho thấy những người sống trong mùa đông hay liên tiếp ở trong những ngày mưa gió và không có ánh nắng mặt trời thì có nguy cơ đau ngực, thiếu máu cung cấp cơ tim và có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Tiếp xúc ánh nắng sai cách sẽ gây nguy hiểm
Tuy mang lại lợi ích không nhỏ nhưng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sai cách, sai thời điểm cũng đem đến những tác hại khôn lường.
Theo bác sĩ Bay, trong khoảng thời gian từ 10 giờ – 15 giờ tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Đặc biệt, tiếp xúc với ánh nắng từ 11 giờ trưa trở đi có thể gây bỏng độ 1, tạo cảm giác nóng, rát và rất khó chịu.
Cần mang kính mát, mũ nón khi tiếp xúc với ánh nắng sau 10 giờ. Ảnh minh họa: internet
Phơi nắng sai cách hay làm việc dưới ánh nắng mà không có đồ bảo hộ, che chắn, ánh nắng sẽ là tác nhân gây ung thư da. Đối với những người mắc các bệnh ngoài da như viêm da tiết bã hay mụn trứng cá sẽ dễ bị thâm da.
“Một số trường hợp không tiếp xúc trực tiếp với nắng nhưng cũng bị đen da là vì ánh nắng làm tăng tổng hợp melanin dưới da thông qua môi trường xung quanh. Tuy nhiên, việc này không có hại, sau một thời gian da sẽ tự động nhả nắng và bình thường trở lại”, bác sĩ Bay lý giải.
Nguy hiểm hơn, tia tử ngoại trong ánh nắng ảnh hưởng đến tế bào thị giác, ảnh hưởng đến võng mạc. Vì vậy, khi ra ngoài vào lúc nắng gắt cần mang kính râm, kính mát để ngăn chặn tia tử ngoại chiếu trực tiếp gây giảm thị lực. Nếu buộc phải tiếp xúc hay phải làm việc dưới nắng trong khoảng thời gian này thì cần mang đồ bảo hộ, che chắn để ánh nắng không thể chiếu trực tiếp vào da.