Hàn Quốc cảnh báo dịch cúm nghiêm trọng nhất trong 8 năm, bệnh viện quá tải

VOH - Số ca mắc cúm tại Hàn Quốc đang tăng cao kỷ lục, vượt mức của 8 năm qua, khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Các bệnh viện tại nhiều địa phương luôn trong trạng thái quá tải khi lượng bệnh nhân không ngừng gia tăng.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tỷ lệ ca nghi ngờ mắc cúm (ILI) đã đạt mức 73,9 ca trên 1.000 bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế trong tuần đầu năm 2025. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2016, tăng đến 136% chỉ trong vòng một tuần so với mức 31,3/1.000 của tuần trước đó.

Các số liệu từ KDCA cho thấy, số ca mắc cúm gia tăng ở mọi nhóm tuổi, đặc biệt cao nhất ở nhóm thanh thiếu niên từ 13-18 tuổi. Trong số các chủng vi-rút cúm hiện lưu hành, chủng H1N1pdm09 chiếm ưu thế với 34,6%, tiếp theo là H3N2 (14,9%) và cúm B (1,4%).

han quoc_voh
Bệnh viện tại nhiều địa phương luôn trong trạng thái quá tải khi lượng bệnh nhân không ngừng gia tăng.

KDCA khuyến cáo các nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người già và người mắc bệnh nền nên tiêm phòng cúm ngay lập tức. Nếu có triệu chứng sốt từ 38 độ trở lên kèm ho hoặc đau họng, bệnh nhân cần được kiểm tra ngay để phân loại và điều trị kịp thời.

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện nhi, đã xuất hiện từ những tuần cuối năm 2024 và kéo dài đến nay. Tại bệnh viện Nhi Woori (Quận Guro, Seoul), không gian chờ luôn chật kín phụ huynh và trẻ nhỏ. Một đại diện của bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đang tiếp nhận từ 600-700 bệnh nhân mỗi ngày, hầu hết là trẻ mắc cúm. Áp lực lên đội ngũ y tế là rất lớn.”

Không chỉ bệnh cúm, các bệnh về đường hô hấp như RSV (vi-rút hợp bào hô hấp), nhiễm norovirus và COVID-19 cũng có xu hướng gia tăng. Số ca nhập viện vì COVID-19, từng đạt đỉnh vào tháng 8/2024, hiện có dấu hiệu tăng trở lại. Từ ngày 15 đến 21/12/2024, Hàn Quốc ghi nhận 66 ca nhập viện vì COVID-19, tăng 20 ca so với tuần trước đó.

Các chuyên gia y tế dự báo, dịch cúm có thể đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 1/2025. Đáng lo ngại, cùng thời điểm này, COVID-19 cũng đang có xu hướng gia tăng trở lại, tạo ra nguy cơ “dịch chồng dịch”. Sự kết hợp giữa các bệnh hô hấp như cúm, RSV và COVID-19 không chỉ gây áp lực lên hệ thống y tế mà còn đe dọa sức khỏe của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Trước tình hình này, KDCA đã tăng cường khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như tiêm phòng cúm, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần với người bệnh. Các cơ sở y tế cũng được yêu cầu mở rộng giờ làm việc và tăng cường nhân sự để đối phó với lượng bệnh nhân ngày một tăng.

Bình luận