Chờ...

Hậu COVID-19 ở trẻ em: Phát hiện sớm - điều trị đúng sẽ an toàn

(VOH) - Nếu trẻ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt.

Thời gian gần đây, số trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em tăng nhanh trên cả nước. Tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng hơn 490.000 trẻ.

Đáng chú ý, trong gần nửa triệu trẻ mắc COVID-19 này có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

Hầu hết các trẻ bị nhiễm COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, những quan sát gần đây cho thấy, một số ít trẻ vẫn bị tình trạng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, nhất là Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em: phát hiện sớm - điều trị đúng sẽ an toàn 1
Ảnh minh họa

Hậu COVID-19 là gì?

Theo định nghĩa mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), "Hậu COVID-19" là những dấu hiệu như triệu chứng của người nhiễm COVID-19 có thể kéo dài hoặc xuất hiện những triệu chứng mới. 

Hậu COVID-19 ở trẻ em đa phần đều liên quan đến đường hô hấp như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều, cảm giác mệt khi gắng sức do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thường gặp là viêm cơ tim. Ngoài ra trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất như dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim và hô hấp và giảm sự tập trung, trẻ dễ quên hơn bình thường, đau đầu và viết chữ xấu hơn.

Một số bé lớn có thể bị mất khứu giác, vị giác, ăn không ngon miệng kéo dài. Ở người lớn tình trạng mất khứu giác và vị giác có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhưng ở trẻ em thường sẽ khỏi sau vài tuần mặc dù có một số trẻ phục hồi rất chậm. Đặc biệt ở trẻ em, có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống sau khi nhiễm Covid-19. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây tử vong, trẻ cần phải được nhập viện sớm để điều trị.

Biểu hiện của hậu COVID-19 với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch thường xảy ra như sau: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài;

Trẻ bị mệt mỏi, đau cơ, tim đập nhanh, nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc. Trẻ bị ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

Viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19 ở trẻ em:

"Khi các cháu xuất hiện những tình trạng như đỏ da, khó thở, mệt mỏi thì phải đưa con đi khám xem có mắc hội chứng viêm đa hệ thống hay không", PGS-TS Bác sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương nhấn mạnh.

Theo TS-BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19 thường xảy ra sau khi em bé bị mắc COVID-19 từ 2-6 tuần lễ.

Biểu hiện lâm sàng của trẻ bị mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19 là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc… nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch, khi có các triệu chứng dưới đây là có biểu hiện mắc hậu COVID-19:

– Trẻ bị sốt cao liên tục trên 24h.

– Trẻ bị nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc.

– Trẻ bị phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân

– Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy.

– Trẻ có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…

Hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em: phát hiện sớm - điều trị đúng sẽ an toàn 2
Chuyên gia cảnh báo, nếu trẻ mắc hậu COVID-19 được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời thì diễn tiến thường thuận lợi, trẻ phục hồi tốt. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Làm gì để phòng hậu COVID-19

Hiện nay dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng, do đó cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu COVID-19 là tiêm vaccine phòng bệnh, ngăn ngừa nhiễm bệnh. 

"Trong thời gian tới đây tiêm vaccine vẫn là khuyến cáo hàng đầu. Chúng ta tập trung cho nhóm nguy cơ và nhóm yếu thế đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng. Nếu trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi.

Đồng thời, cha mẹ phải hướng dẫn trẻ tuân thủ 5K; khuyến khích trẻ hoạt động thể chất hợp lý và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ" - PGS-TS Bác sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết.