Hen phế quản : Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đúng nhất

(VOH) - Hen phế quản (hen suyễn) là căn bệnh phổ biến và theo thống kê thì có 4 trẻ thành thị thì có 1 trẻ bị hen suyễn.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 300 triệu người mắc hen phế quản mỗi năm. Ở trẻ em tỷ lệ mắc cao, trung bình từ 8 -11% (1 - 18%), cao nhất ở Australia, New Zealand và Anh. Ở người lớn tỉ lệ mắc trung bình là 5 - 16,3%; cao nhất ở New Zealand, Australia , Đan Mạch.

Việt Nam chưa có số liệu về dịch tễ hen phế quản chính xác; ở miền Bắc tỷ lệ mắc hen phế quản trung bình 6% (người lớn 3,55%, trẻ em 11,87%) và từ 1961 đến nay tỷ lệ hen phế quản tăng khoảng hơn 3 lần.

Tỷ lệ hen phế quản đang có xu hướng gia tăng: ở Pháp tỷ lệ mắc hen phế quản tăng trên 5 lần trong vòng 10 năm trở lại đây, ở Hoa Kỳ tỷ lệ mắc hen phế quản trẻ em tăng 3,6% năm 1980 lên 5,8% năm 2003. Tại châu Á tỉ lệ mắc hen phế quản tăng từ 1-10 lần trong những năm qua.

Ước tính tử vong hàng năm do hen phế quản khoảng 250.000 bệnh nhân.

Gánh nặng bệnh tật do hen phế quản ảnh hưởng trực tiếp (chi phí về y tế) và ảnh hưởng gián tiếp (thời gian nghỉ việc, nghỉ học do bệnh) do hen phế quản đến tình hình kinh tế - xã hội của cá nhân, gia đình và xã hội luôn gia tăng.

Hen phế quản là gì?

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính đường thở do nhiều tế bào và các thành phần tế bào tham gia. Viêm đường thở mạn tính kết hợp với tăng đáp ứng đường thở dẫn đến những đợt thở rít, khó thở, nghẹt lồng ngực, ho tái diễn; các triệu chứng thường xảy ra về đêm hoặc sáng sớm; những đợt này thường kết hợp với tắc nghẽn đường thở lan toả và hồi phục tự phát hoặc sau điều trị.

Hen phế quản còn có thể liên quan yếu tố cơ địa dị ứng của bản thân và có bệnh sử gia đình thí dụ như trẻ bị hen cũng có cha hay mẹ bị hen

Hen phế quản còn có thể liên quan yếu tố cơ địa dị ứng của bản thân và có bệnh sử gia đình thí dụ như trẻ bị hen cũng có cha hay mẹ bị hen. (Ảnh: British Red Cross)

Bệnh hen phế quản và viêm phế quản thường khó phân biệt do có các triệu chứng tương tự nhau như ho, khó thở và tức ngực. Tuy nhiên, viêm phế quản là tình trạng viêm của đường thở thường do siêu vi gây ra, còn hen phế quản lại là tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí (phế quản) gây nên phù và chít hẹp đường thở dẫn tới hiện tượng khó thở, khò khè.

Nhiều người mắc hen suyễn bẩm sinh và có thể phải sống chung với bệnh cả đời, trong khi ai cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản sau khi bị cảm lạnh thông thường.

Nguyên nhân gây hen phế quản

* Do cơ địa:

- 35-70% bệnh nhân hen phế quản do di truyền. Hiện có nhiều gen liên quan đến bệnh hen phế quản và khác nhau theo nhóm chủng tộc.

- Tạng Atopy (cơ địa dị ứng): là yếu tố nguy cơ quan trọng phát triển hen phế quản, khoảng 50% bệnh nhân hen phế quản có tạng Atopy.

- Giới tính: giới tính nam là yếu tố nguy cơ hen phế quản trẻ em (trẻ em tỷ lệ mắc hen phế quản ở bé trai nhiều hơn bé gái). Khi trưởng thành tỉ lệ mắc HPQ ở nữ nhiều hơn nam.

- Chủng tộc: người da đen có tỷ lệ mắc hen phế quản cao hơn người da trắng.

- Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ hen phế quản.

* Do môi trường:

- Dị nguyên: là yếu tố quan trọng nhất phát triển hen phế quản.

+ Dị nguyên trong nhà: bụi nhà (trong đó có bọ nhà như Dermatophagoides Pteronyssius, Dermatophagoides farinae, Dermatophagoides micoceras), dị nguyên động vật (lông chó, mèo), gián (Blatella Orientalis), nấm (Penicillium, Aspergillus).

+ Dị nguyên ngoài nhà: phấn hoa (cây, cỏ), nấm (Alternaria, Cladosporium).

+ Tác nhân nhạy cảm nghề nghiệp: các chất hoá học có trọng lượng phân tử thấp và cao.

- Khói thuốc lá: trong khói thuốc có Polycylic hydrocarbon, Cacbon monoxide, carbon dioxid, nitric oxid. Hút thuốc chủ động và thụ động làm tăng nguy cơ hen phế quản ở người tiếp xúc với tác nhân nhạy cảm nghề nghiệp.

- Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm trong nhà do nấu ăn với gas, gỗ (có chứa nitric oxid, nitrogen oxid, carbon monoxid, sulfuldioxid ); Ô nhiễm ngoài nhà do khói công nghiệp, hoá ảnh.

- Nhiễm trùng hô hấp: giả thuyết nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh ở người hen phế quản không có cơ địa dị ứng. Hay gặp nhiễm virus hô hấp (Rhinovirus, Coronavirus, Influenza virus, Respiratory syncytial virus, Adenovirus), nhiễm khuẩn (Chlamydiae pneumoniae, Mycobarterium bovis), nhiễm ký sinh trùng.

- Các yếu tố khác: tình trạng kinh tế xã hội thấp kém, gia đình đông người, chế độ ăn kiêng, dùng thuốc (thuốc thuộc nhóm NSAID ).

Triệu chứng của bệnh hen phế quản

Hen suyễn và viêm phế quản có triệu chứng tương tự như ho, cơn đau ngực và khó thở, song cũng có một vài triệu chứng khác nhau để nhận dạng. Viêm phế quản có thể sẽ gây ra cơn sốt nhẹ, ớn lạnh cơ thể và chất nhầy ở mũi màu vàng xanh. Một số người bị bệnh hen suyễn sẽ không có những triệu chứng này.

Đặc biệt khi phân biệt hen suyễn và viêm phế quản ở trẻ, cần chú ý với hen phế quản, trẻ thường xuất hiện cơn hen vào lúc nửa đêm, cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với không khí quá lạnh hoặc quá nóng.

Trẻ hen phế quản khi thở sẽ thấy khó thở, thở ra co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè (còn gọi là tiếng cò cử). Nghe phổi có tiếng ran ngáy ran rít, co nặng ngực, khó thở và khó nói. Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc không sốt.

Đặc biệt, hen phế quản hay tái diễn khi thời tiết thay đổi, khi có các yếu tố kích ứng như bụi, khói thuốc, kể cả thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua.

một cơn hen phế quản

Không phải ai có biểu hiện ho và thở khò khè đều bị bệnh hen phế quản, mà phải dựa vào tần suất của những triệu chứng trên và kết quả xét nghiệm chức năng phổi. (Ảnh: Oxygen Solutions)

- Các dấu hiệu báo cơn hen cấp là:

  • Bệnh nhân khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, dễ bị kích động, hay lú lẫn, không nói được cả câu.
  • Tiếng khò khè nhỏ hoặc mất dần.
  • Thở trên 30 lần/phút.
  • Mạch nhanh hơn 120 lần/phút
  • Lưu lượng đỉnh dưới 60%
  • Bệnh nhân bị kiệt sức

Tác hại của bệnh hen phế quản

Hen phế quản không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm:

  • Nhiễm khuẩn phế quản
  • Xẹp phổi
  • Tràn khí màng phổi
  • Tâm phế mãn tính
  • Suy hô hấp, ngừng hô hấp dẫn đến nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào

Cách điều trị hen phế quản

Bệnh hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn được bởi đây là một loại bệnh mạn tính sẽ theo người bệnh cả đời. Tuy nhiên, bệnh có thể kiểm soát được nếu được điều trị bằng phương pháp thích hợp.

Chữa hen phế quản chính là điều trị làm giảm các triệu chứng bệnh. Thuốc tây chữa hen phế quản là các loại thuốc có tác dụng giãn phế quản, chống viêm, được chia thành 2 nhóm dự phòng và cắt cơn.

Các loại thuốc dạng hít được ưa chuộng hơn so với thuốc uống dạng viên nén hoặc dạng lỏng. Các thuốc dạng hít sẽ tác động trực tiếp lên bề mặt và cơ của đường hô hấp, nơi bắt đầu các triệu chứng của bệnh.

Thuốc cắt cơn hen phế quản

Dùng ngay khi xuất hiện cơn hen. Thuốc này có tác dụng ngừng tình trạng co thắt suyễn ngay trong vòng vài phút giúp giảm nhanh các triệu chứng hen suyễn như nặng ngực, khó thở, ho…

Thuốc cắt cơn dạng xịt khí dung được khuyến cáo nên dùng nhiều hơn các dạng khác bởi đặc tính nhanh chóng dẫn truyền thuốc vào phổi. Mỗi bệnh nhân hen suyễn nên mang theo thuốc này bên mình để xử lý kịp thời khi cơn hen xảy đến.

Thuốc điều trị dự phòng

Thường được bác sỹ chỉ định nhằm làm giãn cơ trơ bao quanh đường dẫn khí. Khi sử dụng thuốc dự phòng đều đặn sẽ giúp cải thiện chức năng phổi, giảm sự co thắt suyễn và ngăn chặn các triệu chứng hen suyễn.

Một số thuốc chữa hen phế quản thường dùng ở Việt Nam

  • Thuốc hít corticosteroid chứa hoạt chất: Budesonide, Beclomethasone, Fluticasone.
  • Thuốc làm giãn đường dẫn khí tác dụng kéo dài có những hoạt chất: Formoterol, Salmeterol.

Thuốc chữa hen phế quản có tác dụng cắt cơn nhanh chóng nhưng lại có nhiều tác dụng phụ kèm theo như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn dạ dày,…

Chú ý: Khi dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, cần dùng thuốc đều đặn, tránh ngưng thuốc đột ngột khi thấy bệnh đã ổn định.

Trong quá trình điều trị, có thể người bệnh một thời gian dài không có triệu chứng tái phát cơn hen nhưng không có nghĩa là hết bệnh vì nếu cơ địa dễ mắc bệnh - bệnh nhân hoàn toàn có thể tái phát nếu tiếp xúc dị nguyên dễ gây dị ứng, kích phát cơn hen suyễn.

Khi dùng chung thuốc hen suyễn với các thuốc trị bệnh khác, hoặc các loại thực phẩm chức năng, thuốc đông y cần hỏi ý kiến bác sỹ để tránh tác dụng phụ không mong muốn hoặc làm giảm hiệu quả điều trị bệnh hen suyễn.

thuốc dạng xịt được khuyến khích dùng để cắt cơn hen phế quản

Người bị sen suyễn cần luôn mang theo thuốc cắt cơn dự phòng (Ảnh: Women Fitness)

Phòng tránh hen phế quản

Để phòng ngừa hen phế quản cần phải:

- Luôn mang theo thuốc cắt cơn hen trong người

- Hạn chế tiếp xúc với các loại động vật, hóa chất độc hại. Tránh bày hoa trong phòng ngủ, nên sử dụng khẩu trang khi ra ngoài vào thời điểm phát tán nhiều phấn hoa.

- Tránh nơi bụi bẩn, ô nhiễm, nhiều khói. 

- Không sử dụng và tiếp xúc với người sử dụng các loại thuốc lá. 

- Hạn chế những thức ăn dễ gây dị ứng đối với người bệnh.

- Luôn lau chùi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chống ẩm mốc. Thường xuyên giặt chăn, màn, ga, gối bằng nước nóng và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

- Tránh hoạt động quá sức

- Nên chủng ngừa cúm cho bệnh nhân hen suyễn mỗi năm.

Luôn tuân thủ điều trị của bác sỹ, cần hiểu rõ về thuốc, biết cách sử dụng thuốc đúng cách và đúng theo chỉ định. Khi không còn triệu chứng của bệnh, không lên cơn hen suyễn thì vẫn cần đi tái khám đúng hẹn để được điều chỉnh lượng thuốc dự phòng hợp lý.

Viêm tiểu phế quản thường xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi do đó cha mẹ cần hết sức đặc biệt lưu tâm. Mời quý vị đọc Phần 5 : Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa viêm tiểu phế quản.