Hướng dẫn thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu

(VOH) - Bộ Y tế có Quyết định số 3588 về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin COVID-19 để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Đối với người đi tiêm chủng vắc xin COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

huong-dan-thoi-gian-tu-theo-doi-28-ngay-sau-tiem-chung-dac-biet-trong-vong-7-ngay-daungày 29 tháng 7 năm 2021
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3588 về việc ban hành Hướng dẫn thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Ảnh: K.H

Khi thấy một trong các dấu hiệu:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi, ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da, ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì, ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.

- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

- Toàn thân chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn, sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Khi có những triệu chứng trên, hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng các bệnh viện.

Xây dựng và phát hành các clip tập huấn hồi sức cấp cứu COVID-19

Tổ chuyên gia điều trị COVID-19 của Sở Y tế phối hợp với Đại học Y Dược đã xây dựng và triển khai các video chuyên đề nhằm giúp cho các cơ sở và bệnh viện dễ dàng tiếp nhận và phổ biến cho nhân viên y tế. Sở Y tế đề nghị lãnh đạo các cơ sở y tế và bệnh viện phổ biến và triển khai tập huấn cho nhân viên thông qua các chuyên đề:

- Thứ nhất là “Hướng dẫn Chăm sóc, theo dõi người bệnh COVID-19 tại cơ sở cách ly tập trung Quận, Huyện” – Bác sĩ, chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Thành phố.

- Thứ hai là “Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ hô hấp” – Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thượng Vũ – Phó Trưởng Bộ môn Nội - Đại học Y Dược Thành phố (Phát hành trong ngày 28/72021).

- Thứ ba là “HFNC - Thiết bị và áp dụng” – Bác sĩ, chuyên khoa 2 Đặng Thanh Tuấn – Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Nhi Đồng 1.

- Thứ tư là “Sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông cho người bệnh COVID-19” – Phó giáo sư Huỳnh Nghĩa – Phó Trưởng Khoa Y - Đại học Y Dược TPHCM.

Để xem và tải những video tập huấn các chuyên đề trên, các đơn vị truy cập vào đường link trên Cổng thông tin điện tử Sở Y tế hoặc trên Kênh Youtube.

Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch, phát tán tung tin sai lệch sự thật

Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 6006 yêu cầu các đơn vị tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí. Trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm, cần báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi cung cấp thông tin báo chí, tránh đưa thông tin một chiều, phát ngôn gây tranh cãi và hoang mang cho người dân. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch, thực hiện thông điệp 5K, chiến lược vắc xin, lợi ích tiêm chủng phòng COVID-19, kết quả điều trị, cách ly, nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, các mô hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch, những hình ảnh đẹp của người thầy thuốc, sự đoàn kết, nỗ lực của các lực lượng chống dịch,... Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý thông tin giả, tin sai lệch sự thật.

Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch, phát tán tung tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch.