Phòng chống sốt xuất huyết bằng cách nào hiệu quả?

(VOH) - Áp dụng tốt các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết sẽ giúp chủ động phòng ngừa bệnh. Các biện pháp tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh môi trường sống.

Có thể nói, sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm khá phổ biến và nguy hiểm, bởi nó có tính lây lan nhanh và rộng trong cộng đồng. Do đó, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết sẽ có ý nghĩa to lớn để ngăn chặn sự bùng phát và lây lan dịch bệnh.

1. Sốt xuất huyết hiện đã lưu hành quanh năm

Tại TPHCM, thống kê tổng số mắc sốt xuất huyết 10 tháng năm 2019 là gần 55.400 trường hợp, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 88%, trong đó có 9 trường hợp tử vong.

Các quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết cao vẫn luôn là những nơi mà điều kiện khách quan tiềm ẩn nguy cơ gây ra lăng quăng, muỗi phát sinh dịch bệnh như quận Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Hóc Môn,…

phong-chong-sot-xuat-huyet-bang-cach-nao-hieu-qua-voh-0
Sốt xuất huyết người lớn rất nguy hiểm, một trường hợp sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố (Nguồn: Internet)

Gia đình chị Nguyễn Ái Mỹ, nhà ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho hay, nhà chị có con nhỏ nhưng hàng xóm có đến 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới xuất viện về, nên rất lo lắng, luôn thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng nhưng cái khó khăn ở đây theo chị Mỹ là vì có mấy miếng đất trống người ta không xây nhà, hình thành các ao, nước đọng nhiều muỗi lắm. "Giờ nhà tự bảo vệ mình bằng cách phun muỗi, ngủ mùng chứ không biết sao nữa", chị Mỹ nói.

2. Sốt xuất có thể xuất hiện nhiều ở phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi, béo phì

Dịch sốt xuất huyết vẫn chưa hạ nhiệt, luôn vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh bất kỳ lúc nào. Bác sĩ Bác sĩ Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Quốc tế City, lưu ý trẻ nhũ nhi một khi mắc sốt xuất huyết thường nặng hơn, nhất là trẻ béo phì. "Trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi nếu bị sốt xuất huyết diễn tiến thường nặng hơn những trẻ thường. Những trẻ bụ bẫm, béo phì phải theo dõi kỹ hơn. Phụ huynh thường không nghĩ trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi sẽ bị mắc bệnh, thường bỏ sót đến khi nặng thì khó khăn cho điều trị", bác sĩ Huệ cho biết thêm.

Phó giáo sư - Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc – Bệnh viện Nhi Đồng, nơi điều trị nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng, lưu ý trong mùa này phải hết sức cảnh giác về bệnh sốt xuất huyết. "Đây là một dịch bệnh hiện lưu hành quanh năm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, cho nên hằng năm thường có số ca mắc sốt xuất huyết cao. Có nhiều trường hợp tử vong nếu điều trị trễ, điều trị không thích hợp. Mọi người cần biết, không có lăng quăng sẽ không có muỗi, và từ đó sẽ không có sốt xuất huyết. Nếu chẳng may bị sốt 3 ngày trở lên phải nghĩ đến sốt xuất huyết, cần đi khám để xác định bệnh và có phương án điều trị kịp thời", bác sĩ Quang lưu ý.

Bác sĩ Dương Hồng Phúc, Bệnh viện Quận Thủ Đức – cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai, vì đây là đối tượng nguy cơ cao khi mắc sốt xuất huyết, ảnh hưởng rất lớn về mặt sức khỏe cả mẹ và bé. Do vậy, thai phụ khi thấy triệu chứng sốt trong thời điểm hiện nay phải lập tức đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm. Tuyệt đối không tự ý đi mua thuốc về uống.

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết và cách chăm sóc tại nhà đơn giản

3. Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Theo thống kê mới nhất từ Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 50 trường hợp tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 2,9 lần.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố khuyến cáo: "Chúng ta dành 15 hay 20 phút mỗi tuần để dọn dẹp tất cả vật dụng hay ổ chứa nước có lăng quăng. Nếu mỗi tuần chúng ta đều làm thì cả tuần sẽ không có muỗi và nếu không có muỗi thì không thể nào có bệnh sốt xuất huyết được".

Các biện pháp cụ thể có thể áp dụng là:

3.1 Tiêu diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy

Những nơi ao tù, nước đọng luôn là môi trường sinh sôi thuận lợi của muỗi. Chính vì thế, việc loại bỏ môi trường sống của muỗi, lăng quăng là điều đầu tiên cần phải làm.

phong-chong-sot-xuat-huyet-bang-cach-nao-hieu-qua-voh-1
Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng để tránh nước tồn đọng (Nguồn: Internet)

Mỗi gia đình có thể thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy như sau:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi vào để trứng
  • Thả các loại cá nhỏ, cá bảy màu... vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy
  • Cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...) hàng tuần. Nên dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở mép nước
  • Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng để tránh nước tồn đọng.
  • Đối với những dụng cụ chứa nước (khay nước tủ lạnh, bát nước kê chạn, tủ đựng chén bát...) người dân có thể cho muối hoặc dầu ăn vào nước sẽ khiến muỗi không thể đẻ trứng
  • Thay nước thường xuyên bình đựng hoa
  • Xông khói để xua muỗi
  • Những ổ nước cần lấp đầy bằng đất, đá hoặc tháo cạn
  • Phát quang cây cối
  • Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách đơn giản và 9 loại tinh dầu tự nhiên giúp trẻ không bị muỗi tấn công

3.2 Phòng chống muỗi đốt

Phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách chống muỗi đốt bao gồm không cho muỗi hút máu người bằng cách:

  • Mặc quần áo dài tay
  • Ngủ trong mùng/màn kể cả ban ngày lẫn ban đêm
  • Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt điện muỗi, kem xua muỗi....Bình xịt côn trùng trong nhà, hương muỗi hoặc kem xua muỗi có thể làm giảm hoạt động chích đốt của muỗi
  • Dùm màn tẩm hóa chất, vợt diệt muỗi, rèm che, điều hòa nhiệt độ để giúp làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt

Đối với trẻ em, để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở cũng như quan sát trẻ. Không cho trẻ chơi ở nơi ẩm thấp, tối, cây cối rậm rạp....

3.3 Phun thuốc diệt muỗi định kỳ

phong-chong-sot-xuat-huyet-bang-cach-nao-hieu-qua-voh-2
Hợp tác với chính quyền địa phương trong các đợt phun thuốc diệt muỗi (Nguồn: Internet)

Mỗi hộ gia đình cần phối hợp với các cơ quan chức năng trong các đợt phun thuốc diệt muỗi, hóa chất để phòng chống dịch.

Nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết vẫn luôn xuất hiện trong môi trường xung quanh nơi người dân sinh sống, làm việc, học tập. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố tiếp tục thực hiện nội dung trong kế hoạch phối hợp liên tịch, cũng như các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi, kiểm soát nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân luôn là yếu tố quyết định việc kiểm soát thành công bệnh sốt xuất huyết. Sự cảnh giác cao độ với bệnh tật sẽ giúp chủ động phòng tránh những rủi ro về sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng. Vậy nên, tâm thế chủ động cảnh giác đề phòng bệnh luôn là hành động sáng suốt trong bối cảnh dịch bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa.